Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Cùng với đó, chỉ đạo tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân sống trong khu vực rừng và gần rừng; nội dung tuyên truyền thiết thực, cụ thể hóa các hình thức xử phạt (phạt hành chính, phạt hình sự,...) nếu người dân vi phạm. Rà soát, xác định các nguyên nhân dẫn đến người dân phá rừng. Trường hợp dân thực sự thiếu đất sản xuất, các địa phương khẩn trương báo cáo, đề xuất các giải pháp để đảm bảo đất sản xuất, sinh kế cho dân. Xử lý nghiêm tất cả các trường hợp nếu người dân cố tình vi phạm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn (cấp xã), các chủ rừng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Phương án Phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2024-2030, cụ thể 04 tại chỗ với chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần đủ mạnh và có sự tham gia của lực lượng Công an, Kiểm lâm, Dân quân tự vệ,... Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn mà không phát hiện và tổ chức ngăn chặn kịp thời; đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra các hành vi vi phạm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND cấp huyện đẩy nhanh việc giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện UBND xã đang quản lý cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng đặc dụng, Công ty lâm nghiệp hoặc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định để rừng có chủ thực sự. Cùng với đó, tham mưu xử lý, thu hồi đối với diện tích đất lâm nghiệp đã giao, cho thuê nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Sở Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR; phổ biến rõ mức xử phạt và hình thức xử phạt nếu người dân vi phạm để người răn đe, giáo dục chung; tăng cường công tác cảnh báo, dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng để chủ rừng, người dân biết, chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát, truy quét bảo vệ rừng; xác định các vùng rừng có nguy cơ xâm hại cao, các tuyến đường, các hình thức vận chuyển lâm sản trái pháp luật để có biện pháp phòng ngừa; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để sự việc tiếp diễn thành điểm nóng, nổi cộm phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng và thực hiện Phương án PCCCR của các các đơn vị chủ rừng. Đảm bảo Phương án được xây dựng, phê duyệt và thực hiện phải cụ thể về lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy. Tránh việc xây dựng chung chung, hình thức.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo rà soát, hoàn thiện nhanh Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR giữa các lực lượng (Công an, Quân đội, Kiểm lâm) các cấp và các lực lượng liên quan. Tăng cường phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an trong việc trao đổi thông tin, xác lập hồ sơ ban đầu, điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để nâng cao khả năng giám sát, quản lý rừng trên phạm vi toàn tỉnh bằng công nghệ viễn thám, GIS và thiết bị bay không người lái; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, thiết bị công nghệ cao cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Nếu khó khăn đề xuất, báo cáo UBND tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh số liệu quy hoạch lâm nghiệp theo cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo sát với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với Quy hoạch tỉnh.
Trong thời gian tới, thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng và hạn hán có xu hướng kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức độ cao. Do vậy, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo và tăng cường triển khai các biện pháp PCCCR theo phương châm “04 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ” và “5 sẵn sàng: lực lượng, phương tiện, chỉ huy, hậu cần và thông tin”; không được chủ quan, lơ là, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCCR.
Hà My
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/binh-dinh-tang-cuong-cong-tac-bao-ve-rung-va-phong-chay-chua-chay-rung-89535.html