Các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT) và Harvard đã phát minh ra “vật liệu sống lai ghép” từ các thành phần độc đáo. Để tạo ra nó, các nhà khoa học đã sử dụng 2 loại nhựa - vật liệu thông thường để in 3D, cứng lại sau khi tạo ra vật thể và nhựa tạm thời, tạo thành các lỗ sâu bên trong vật thể.
Các nhà nghiên cứu đã áp dụng một giải pháp hóa học đưa vi khuẩn phát huỳnh quang vào các khoang này. Lớp cuối cùng là hydrogel với vi khuẩn E.coli biến đổi gien, được quét lên vật thể đã hoàn chỉnh. Sau vài giờ, các vi khuẩn, dưới tác động của hóa chất, bắt đầu phát sáng với nhiều màu sắc khác nhau, tạo ra các hoa văn sặc sỡ trên bề mặt vật thể.
Trưởng nhóm nghiên cứu Rachel Soo Hoo Smith quả quyết rằng họ có thể thiết lập hình dạng và nồng độ mong muốn của các vật liệu sống và các sản phẩm sinh học tổng hợp bên trong các vật thể in, có thể là màu sắc hoặc thuốc trị liệu.
Để chứng minh khả năng của công nghệ, các nhà khoa học đã in các đĩa nhỏ và thứ gì đó giống như mặt nạ phát sáng với hoa văn màu sắc trong vài giờ, trong khi các quần thể vi khuẩn lan rộng và phản ứng với các tín hiệu hóa học.
Nhóm nghiên cứu nói rằng trong tương lai, kỹ thuật này có thể được áp dụng để chế tạo các thiết bị y sinh, bao bì thông minh phát hiện ô nhiễm vi khuẩn và các bề mặt khác phản ứng với tín hiệu môi trường.
Vũ Trung Hương