Trong số 41 bệnh nhân mới nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đang điều trị tại các cơ sở y tế, hầu hết các bệnh nhân đang được kiểm soát tốt diễn tiến lâm sàng. Tuy nhiên đang có 2 trường hợp có những diễn biến xấu về tình hình sức khỏe, đặc biệt là nữ bệnh nhân người Việt - 64 tuổi có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình. Từ cuối giờ chiều 15.3, bệnh nhân có triệu chứng khó thở tăng lên, đến 22 giờ cùng ngày, bệnh nhân biểu hiện suy hô hấp tăng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch và chuyển bệnh nhân tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị. Các bác sĩ cho biết, hiện hai bệnh nhân vẫn giữ được mạch, huyết áp, oxy máu ổn định và đang điều trị tích cực.
Ở thời điểm này, nữ bệnh nhân người Việt vẫn đang suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, được lọc máu liên tục, vẫn đang trong tình trạng nặng.
Trước đó có một bệnh nhân nam người Anh, 69 tuổi, với nhiều bệnh lý nền mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường type2 cũng phải đặt thở máy. Bệnh nhân được phát hiện dương tính virus gây bệnh COVID-19 vào ngày 8.3, được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, sau đó một ngày được chuyển về khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội).
Đến tối 14.3, bệnh nhân tỉnh táo, còn sốt thất thường (sáng sốt, chiều và tối không sốt). Hiện, bệnh nhân có khó thở, được đặt thở máy. Các bác sỹ đang nỗ lực điều trị tích cực cho bệnh nhân này. Hiện tại oxy máu của bệnh nhân người Anh đã cải thiện hơn, tuy nhiên vẫn đang trong tình trạng nặng. Sáng ngày 16.3, tại điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai, đông đảo các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện đã cùng hội chẩn trực tuyến điều trị các bệnh nhân nặng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, sau khi được thở máy, lọc máu và các biện pháp hồi sức tích cực hiện tại ôxy máu của bệnh nhân người Anh đã cải thiện hơn, tuy nhiên vẫn đang trong tình trạng nặng.
Các chuyên gia khuyến cáo, đối với những trường hợp cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có kèm bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, CODP... cần hạn chế đến nơi đông người và cần đeo khẩu trang khi ra ngoài.Trên thực tế, đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như: tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của vi-rút.
Dạ Thảo