(HNM) - Tại nhiều quốc gia trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Mỗi ngày, "kẻ thù giấu mặt" mang tên Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Trong cuộc chiến để giành giật sự sống cho bệnh nhân, tình trạng thiếu máy thở và trang thiết bị bảo hộ y tế đang là nỗi ám ảnh của các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Các quốc gia đang dồn mọi nguồn lực để sản xuất trang thiết bị y tế và hỗ trợ lẫn nhau, tiếp sức cho cuộc chiến toàn cầu với đại dịch Covid-19...
Từ những quốc gia có nền y tế phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Australia, Italia đến những nước đang phát triển như Philippines, Indonesia… các thiết bị bảo hộ y tế đang ngày một cạn kiệt nhanh chóng. Truyền thông Mỹ đưa tin, các nhân viên y tế ở ổ dịch thành phố New York đang lâm vào tình cảnh bức bách vì nguồn dự trữ thiết bị bảo hộ y tế cạn dần trong khi số lượng bệnh nhân tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ. Các bác sĩ ở đây cho biết họ phải tận dụng lại một số đồ bảo hộ, thậm chí phải lùng mua đồ bảo hộ từ những nhà cung cấp ở "chợ đen". Tương tự, trước tình trạng thiếu đồ bảo hộ, các bác sĩ ở Philippines phải mặc đồ phòng vệ tự chế từ túi ni lông, túi đựng rác.
Tại Indonesia - quốc gia đông dân thứ tư thế giới, y tá ở các bệnh viện địa phương phải dùng áo mưa hoặc lộn ngược đồ bảo hộ để tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19. Sự thiếu hụt này trở thành nỗi ám ảnh về nguy cơ lây nhiễm chéo cho chính đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Và thực tế là hai bệnh viện lớn ở thủ đô Manila là Bệnh viện Medical City và Viện Đại học Santo Tomas đã phải đưa 674 nhân viên y tế vào diện cách ly do nghi nhiễm Covid-19.
Lo ngại hơn, một phần nguyên nhân khiến số ca tử vong tại nhiều quốc gia tăng đột biến là tình trạng thiếu máy thở. New York hiện là tâm dịch lớn nhất nước Mỹ, nhưng nguồn dự trữ máy thở đã cạn kiệt. Ngày 3-4, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, bang này chỉ còn đủ máy thở để dùng thêm 6 ngày nữa bởi mỗi ngày có khoảng 350 bệnh nhân mới. Tại Anh, nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhiều hơn thế. Ước tính Anh sẽ cần hàng chục nghìn máy thở ở giai đoạn đỉnh dịch, trong khi nước này hiện mới có khoảng hơn 8.000 chiếc. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở một số nước có hệ thống y tế yếu kém hơn như ở quốc gia châu Phi là Mali, nơi có khoảng 19 triệu người nhưng chỉ có 56 máy thở.
Để hạn chế thấp nhất số ca tử vong, chính phủ các nước đang ráo riết đẩy mạnh sản xuất trong nước và gia tăng nhập khẩu các loại máy thở, thiết bị bảo hộ y tế.
Hamilton Medical AG - một trong những nhà sản xuất máy thở lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Thụy Sĩ đang đặt mục tiêu sản xuất 21.000 máy thở trong năm nay. Tại Italia, quân đội nước này cử 25 kỹ sư và nhiều nhân viên khác đến hỗ trợ Siare Engineering International Group - công ty sản xuất máy thở lớn nhất tại Italia để lắp ráp máy thở với mục tiêu tăng sản lượng gấp 3 lần, tức khoảng 2.000 máy trong 4 tháng tới.
Ngày 2-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng để giúp các công ty sản xuất máy trợ thở nhận được nguồn cung ứng nguyên liệu cần thiết. Đồng thời nhà lãnh đạo này cũng yêu cầu Tập đoàn General Motors, Ford cùng các nhà máy sản xuất ô tô chuyển sang sản xuất máy thở.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, việc thiếu thiết bị y tế ở nhiều quốc gia chỉ có thể được giải quyết nhờ sự hợp tác, đoàn kết của quốc tế. Và nghĩa cử cao đẹp của các quốc gia trong việc tăng cường chia sẻ, viện trợ thiết bị y tế đã tiếp sức cho cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19.