UBND TP.HCM đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu công viên Bến Bạch Đằng, thuộc một phần phường Bến Nghé và phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 với quy mô khoảng 20ha. Với quy hoạch này, đường Tôn Đức Thắng sẽ thành phố đi bộ.
Theo quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP. HCM 930ha, khu vực công viên Bạch Đằng là một trong những khu vực đặc biệt. Theo đó, đường Tôn Đức Thắng đi qua đoạn này sẽ được ngầm hóa và có hai làn xe mỗi hướng. Bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng cách Công trường Mê Linh khoảng 100m về phía Nam của đường Ngô Văn Năm.
Toàn bộ mặt đường Tôn Đức Thắng hiện tại sẽ là công viên, đường đi bộ. Ở giữa Công trường Mê Linh sẽ có một vườn trũng bố trí các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng xung quanh. Ở tầng trệt của quảng trường có hơn 50% diện tích cây xanh che phủ, xây đài phun nước. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn có 3 trạm xe buýt, trạm LRT và trạm taxi thủy.
Công viên bến Bạch Đằng nằm trong dải quy hoạch bờ Tây sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Sài Gòn qua Tân Cảng-Ba Son-bến Bạch Đằng-cột cờ Thủ Ngữ-cảng quận 4 đến chân cầu Tân Thuận. Đây là dải công viên cảnh quan đối diện với Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở bờ Đông sông Sài Gòn.
Giữa năm 2017, UBND thành phố đã giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn An Phát phối hợp các cơ quan có liên quan hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Công viên Cảng Bạch Đằng.
Trong đó, thành phố yêu cầu các đơn vị này cần tuân thủ các nội dung của đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu của thành phố và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2. Bên cạnh đó, phải bảo tồn di tích lịch sử tượng Trần Hưng Đạo, cột cờ Thủ Ngữ. Riêng đối với công trình điểm nhấn tại vị trí cột cờ Thủ Ngữ phải tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế, nhằm lựa chọn phương án kiến trúc tối ưu.
Theo tìm hiểu, cuối tháng 5/2016, TP.HCM kêu gọi đầu tư dự án quy hoạch khai thác phát triển Khu công viên cảng Bạch Đằng theo hình thức xã hội hóa. Ngay sau động thái này, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát đề xuất xem xét việc giao cho tập đoàn này được nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất đầu tư dự án từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp. Sự xuất hiện của đơn vị này đã khởi động cho cuộc đua đầu tư vào khu đất vàng này.
Cụ thể, Vạn Thịnh Phát đã đề xuất và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu đất này với diện tích quy hoạch 17,08 ha, trong đó diện tích trên mặt đất chiếm 7,02 ha, diện tích mặt nước là 10,06 ha. Dự án bao gồm các chức năng như: công viên, trung tâm thương mại ngầm, bãi đậu xe ngầm, hệ thống giao thông kết nối ngoại vi, bến tàu, bến du thuyền du lịch đường sông...
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Công ty TNHH Đầu tư A&B cũng lên tiếng về việc muốn tham gia đầu tư vào bến Bạch Đằng. Đơn vị này cũng gửi văn bản lên Bí thư Thành Ủy TP.HCM, đề nghị được tham gia đầu tư cải tạo Dự án Công viên Bạch Đằng.
Đến năm 2017, cuộc đua này có diễn biến tích cực cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, UBND TP.HCM đã giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn An Phát phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án công viên Cảng Bạch Đằng.
Mới đây, UBND.TP.HCM vừa đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải về việc chuyển đổi công năng cầu tàu Ba Son thành bến đường thủy phục vụ du lịch.
Theo đó, cầu tàu Ba Son (bao gồm cầu tàu H, cầu tàu K, cầu tàu L) nằm bên bờ phải sông Sài Gòn thuộc địa phận phường Bến Nghé, quận 1. Cầu tàu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có chiều dài khoảng 377,8m. Toàn bộ 3 cầu tàu H, K, L nằm tiếp giáp Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son do Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ làm chủ đầu tư.
Hiện nay, cầu tàu này đã ngừng các hoạt động khai thác cảng biển. Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ đã đề xuất được chuyển đổi công năng toàn bộ cầu tàu Ba Son (377,8m) hiện hữu thành bến thủy để các phương tiện thủy (tàu khách nước ngoài, tàu du thuyền, phương tiện thủy nội địa...) ra vào, neo đậu đưa rước hành khách du lịch.
Từ đó, UBND TP.HCM đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho chuyển đổi công năng cầu tàu Ba Son (gồm cầu tàu H, K, L với chiều dài 377,8m) để tiếp nhận các tàu khách nước ngoài, du thuyền, phương tiện thủy nội địa phục vụ du lịch đường thủy của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ phù hợp với định hướng phát triển vận tải hành khách gắn với du lịch đường thủy của thành phố, phù hợp với định hướng quy hoạch Khu trung tâm hiện hữu thành phố.
Mặt khác, nhằm phát huy lợi thế và khai thác tiềm năng về vận tải khách du lịch đường thủy trên tuyến sông Sài Gòn, đồng thời tận dụng các cơ sở hạ tầng cầu tàu hiện có để đáp ứng như cầu hành khách du lịch bằng đường thủy hiện nay, phát triển vận tải hành khách gắn với du lịch bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ.
Theo UBND TP.HCM nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chuyển đổi công năng cầu tàu Ba Son hiện hữu thành bến đường thủy, UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển Thiên Niên Kỷ đề xuất phương án cải tạo cầu tàu hiện hữu, bổ sung một số hạng mục công trình phụ trợ (trên bờ); trình UBND TP.HCM quy chế quản lý khai thác phù hợp với quy hoạch, đảm bảo mỹ quan, kết nối giao thông thuận lợi, an toàn.
(Nhịp sống kinh tế)