Cách tốt nhất để thế giới đối phó với biến đổi khí hậu là tiến hành một chiến dịch phục hồi rừng với quy mô tương đương diện tích của nước Mỹ.
Viện Công nghệ liên bang Thụy Sỹ đã tính toán diện tích này trong nghiên cứu do viện này tiến hành và được đăng trên tạp chí Science ngày 4/7.
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên tính toán số lượng cây xanh có thể trồng trên Trái Đất, những khu vực trồng cây tốt nhất và lượng khí thải CO2 có thể giảm nhờ tái trồng rừng trên khắp thế giới.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy tổng diện tích có thể trồng cây xanh trên Trái Đất là 900 triệu hécta, có thể hấp thu 205 tỷ tấn carbon – chiếm hơn 60% lượng khí thải CO2 do con người gây ra. Việc phục hồi rừng cũng góp phần giảm lượng khí thải trong không khí xuống mức thấp nhất trong gần 1 thế kỷ.
Theo nghiên cứu, vùng nhiệt đới là nơi tốt nhất để tái trồng rừng vì cây cối phát triển nhanh tại đây. Tuy nhiên, đa số các nước trên thế giới đều có thể trồng cây xanh, có thể trồng cây trên đất canh tác và ở đô thị, thậm chí có thể trồng cây tại nhà.
Các nhà khoa học đã xác định có thể trồng lại rừng trên diện tích 1,7 – 1,8 tỷ hécta, ngoài ra thêm 1,4 tỷ hécta trên diện tích canh tác và đô thị. Nghiên cứu cũng xác định hơn 50% diện tích có thể tái trồng rừng là ở các nước Nga, Mỹ, Canada, Australia, Brazil và Trung Quốc.
Đồng tác giả nghiên cứu Tom Crowther nhấn mạnh nghiên cứu này cho thấy rõ rằng phục hồi rừng là giải pháp tốt nhất hiện nay để góp phần ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Theo đó, các nhà nghiên cứu kêu gọi người dân trên toàn thế giới tích cực trồng cây xanh hoặc tài trợ cho những nỗ lực này.
Nguồn:
Nguyễn Hằng/Báo Tin tức