Dự án hỗ trợ kỹ thuật Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ được Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Tài chính là chủ dự án. Tổng vốn viện trợ của dự án là hơn 21,7 triệu đô la tương đương với hơn 494,9 tỷ đồng Việt Nam và thực hiện trong 5 năm từ 2018-2023.
Với mục tiêu tổng thể là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập nhẩu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi lê.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước yêu cầu thực tiễn thương mại thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới đã đàm phán và thông qua một hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tổ chức ở Bali, Indonesia năm 2014. Đây là khuôn khổ pháp lý đa phương quan trọng đảm bảo cho các biện pháp thuận lợi hóa thương mại được thúc đẩy và triển khai trên bình diện toàn cầu. Việt Nam, với tư cách là một thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, cũng đã hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định FTA vào ngày 26/11/2015.
"Song song với việc đàm phán, phê chuẩn và tổ chức triển khai hiệp định TFA, Việt Nam đã chủ động đàm phán, ký kết và triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do cả trên cấp độ đa phương và song phương, theo đó các cam kết về tạo thuận lợi thương mại trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, luôn được đặt ở vị trí ưu tiên đặc biệt với các cam kết tạo ra sự khác biệt, thúc đẩy sự minh bạch, nhất quán, có tính dự đoán đối với quy trình thủ tục và dịch vụ công của Chính phủ cung cấp cho các giao dịch hàng hóa qua biên giới"- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu.
Nêu lại phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Đây cũng là nỗ lực góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với tinh thần này, từ năm 2016, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã được thành lập với cơ quan thường trực đặt tại Tổng cục Hải quan"- Phó Thủ tướng cho biết.
Được biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các Bộ ngành triển khai cơ chế một cửa quốc gia. Hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối 13 Bộ, ngành với 173 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia gần 2,2 triệu bộ hồ sơ của hơn 29,8 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối với 5 nước ASEAN và cùng với các nước này tiến hành trao đổi dữ liệu điện tử giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D với số lượng hơn 90.000 C/O điện tử để thực hiện hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA). Hiện tại hệ thống của Việt Nam đang chấp nhận kiểm nghiệm kết nối từ các nước thành viên ASEAN khác và sẵn sàng thử nghiệm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN và giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử giữa các nước đã kết nối.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến tháng 3/2019 các mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành đã giảm 12.600 mặt hàng (từ 82.698 năm 2015 xuống còn 70.087). Cùng với các biện pháp chống gian lận thương mại, việc cắt giảm Danh mục, các Bộ ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp như thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, tăng đối tượng được miễn kiểm tra, minh bạch hóa danh mục hàng hóa kèm mã số hồ sơ, bãi bỏ những quy định không phù hợp.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là những kết quả bước đầu và còn nhiều việc cần phải triển khai quyết liệt để đảm bảo sự đồng bộ và phát triển bền vững.
Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại do Hoa Kỳ tài trợ với mục tiêu tổng thể là "cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới và chủ trương cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu", được Chính phủ Việt Nam xác định là thiết thực, đúng thời điểm và cần thiết, đáp ứng được yêu cầu mong đợi của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định TFA và tổ chức triển khai các FTA thế hệ mới.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan chủ quản của Dự án, chủ trì phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành, địa phương và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ cũng như khu vực kinh tế tư nhân tổ chức triển khai dự án một cách hiệu quả bảo đảm mục tiêu tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt.
Được biết dự án được triển khai tại 6 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, Đà Nẵng, Đồng Nai và TPHCM với 4 hợp phần./.