Ngày 6/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Cao su Việt Nam tổ chức Hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030.
Các đồng chí: Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận đồng chủ trì hội nghị.
Đồng chí Cao Đức Phát phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: HM)
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết: Có mặt ở Việt Nam hơn 100 năm, cây cao su đã khẳng định được vị trí của mình với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đồng chí Cao Đức Phát, hiện nay môi trường kinh tế xã hội cho phát triển cao su đang có nhiều thay đổi. Trước tình hình đó, cần có sự đánh giá khách quan về vai trò, vị trí, và bàn định về phương hướng, chính sách về cây cao su cho thời gian tới. Đồng chí Cao Đức Phát đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá khách quan về vai trò, vị trí của ngành cao su với sự phát triển của đất nước, của các địa phương; từ đó có góc nhìn toàn diện hơn về việc phát triển cây trồng này.
Cùng với đó, các đại biểu cũng nhận diện những thách thức, những tồn tại là nút thắt trong phát triển của ngành cao su nói chung, trên cơ sở đó thảo luận, xác định những phương hướng và chính sách lớn thúc đẩy, phát triển ngành cao su trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn là đến năm 2045.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian qua, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển ngành cao su. Trong bối cảnh mới, các đại biểu trao đổi, kiến nghị với Đảng, Chính phủ phương hướng, giải pháp để hoạt động của ngành cao su phát triển hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngành và quốc gia.
Các đại biểu tham dự hội nghị (ảnh: HM)
Cây cao su được đưa đến Việt Nam trồng từ năm 1897, chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đến cuối năm 1960, tổng diện tích cao su tại Việt Nam đạt khoảng 142.000 ha với sản lượng khoảng 79.650 tấn. Giai đoạn từ năm 1958 đến 1963, cây cao su được mở rộng trồng ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, chủ yếu bằng nguồn giống từ Trung Quốc, diện tích canh tác đạt khoảng 6.000 ha. Năm 1975, diện tích cao su của cả nước còn khoảng 75.200 ha, trong đó Tổng công ty Cao su Việt Nam quản lý 55.790 ha, còn lại 19.410 ha do chính quyền địa phương và tư nhân quản lý.
Đến hết năm 2018, Việt Nam đã có 965 ngàn ha với tổng diện tích cho thu hoạch là 686 ngàn ha, năng suất đạt khoảng 16,6 tạ/ha và sản lượng hàng năm đạt trên 1.141 ngàn tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 2 tỷ USD.
Sau hơn 100 năm phát triển, Ngành cao su hiện đang là một trong những ngành sản xuất nông, lâm nghiệp quan trọng của Việt Nam, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cây cao su đã mở rộng địa bàn từ Nam ra Bắc và ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong ngành nông, lâm nghiệp Việt Nam, là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Phát triển cây cao su còn giúp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và vùng Tây Bắc.
Đồng chí Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết: Đến cuối năm 2018, diện tích cao su của Tập đoàn xấp xỉ 400.000 ha, trong đó diện tích trong nước khoảng 295.000 ha, chiếm 30% diện tích cả nước với sản lượng khai thác năm 2019 dự kiến hơn 320.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cao su sản xuất cả nước.
Là đơn vị có mô hình quản lý Tổng Công ty duy nhất của cả Tập đoàn, cũng là đơn vị có quy mô, diện tích đất quản lý lớn nhất trong toàn ngành cao su, giai đoạn 2015-2019, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đạt tổng doanh thu 9.320 tỷ đồng, trong đó sản xuất kinh doanh 5.437 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 3.802 tỷ đồng, các khoản trích nộp 3.527 tỷ đồng, thu nhập của hơn 5.000 người lao động bình quân 7.452.000 đồng/người/tháng.
Hội nghị nhận được nhiều tham luận của các bộ, ban, ngành, địa phương (ảnh: HM)
Chuyển đổi cơ cấu, chủng loại và chất lượng cao su phù hợp với nhu cầu tiêu thụ
Trao đổi tại hội nghị, các đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cao su nước ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn 2010-2015, diện tích cao su tăng nhanh, một số vùng trồng ngoài quy hoạch, không phù hợp, có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khó khăn, như gió, bão ở khu vực Duyên hải miền Trung, rét đậm kéo dài, sương muối tại các vùng miền núi phía bắc đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho người sản xuất; giá cao su trên thị trường thế giới từ năm 2015 đến năm 2019 giảm xuống thấp, đang là thách thức đối với ngành cao su. Sản phẩm cao su chế biến của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Công nghệ chế biến còn hạn chế so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su trong nước. Các đại biểu cho rằng cần có những giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì, phát triển diện tích cây cao su trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng: Trong giai đoạn 2015 - 2020, chuyển đổi diện tích cao su không phù hợp với điều kiện phát triển trong các tiểu vùng hoặc có năng suất chất lượng kém sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn cây cao su, phấn đấu tăng sản lượng cao su trung bình từ 3 - 4%/năm. Đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến nhằm thay đổi cơ cấu sản phẩm nguyên liệu cao su để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường xuất khẩu và nhu cầu ngành công nghiệp cao su trong nước.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cao su cần đa dạng hóa thị trường, kết hợp với việc giảm giá thành, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để tăng cường khả năng cạnh tranh. Tăng lượng tiêu thụ nội địa, các nhà sản xuất nguyên liệu cao su trong nước cần chuyển đổi cơ cấu, chủng loại và chất lượng sản phẩm cao su cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ngành công nghiệp cao su trong nước.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Trần Tuệ Hiền chia sẻ tại hội nghị (ảnh: HM)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai các nội dung ký kết hợp đồng góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La; sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh theo hướng ban hành các chính sách hỗ trợ liên quan đến đào tạo nghề cao su...
Đại diện Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho rằng, trong thời đại công nghệ thì cần tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành cao su, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị; đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông để đưa nhanh và cập nhật các tiến bộ kỹ thuật cho các thành phần trồng cao su trong cả nước..