Bộ GT-VT vừa có công văn (hỏa tốc) thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật tại cuộc họp về Trạm thu phí T2 quốc lộ (QL) 91 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, ngày 30.10 vừa qua, tại Văn phòng Bộ GT-VT, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp về Trạm BOT T2, nghe ý kiến của nhà đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan.
Tại cuộc họp, các cơ quan, đơn vị dự họp đã phân tích ưu, nhược điểm của 5 phương án đề xuất xử lý bất cập tại Trạm BOT T2 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư và thống nhất phương án tối ưu là nghiên cứu phương án “không thu tiền dịch vụ sử dụng tại Trạm T2 QL91 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư QL 91B (từ nguồn ngân sách TP.Cần Thơ hoặc Trung ương). Đồng thời, do QL 91B thuộc nội đô của Cần Thơ nên đề nghị địa phương tiếp nhận để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật kết luận: Hiện nay Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục pháp lý, triển khai dự án tuyến tránh Long Xuyên dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Sau khi tuyến tránh Long Xuyên đưa vào sử dụng thì các phương tiện qua khu vực sẽ có sự lựa chọn, không phải qua Trạm thu phí T2.
Tuy nhiên, phương án này sẽ không lường trước được rủi ro vì phải phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành dự án tuyến tránh Long Xuyên. Trong khi cho tới nay thì dự án này vẫn chưa khởi công, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư. Như vậy thời gian hoàn vốn của dự án sẽ bị kéo dài (trên 30 năm), kế hoạch trả nợ tín dụng bị phá vỡ, ngân hàng không đồng thuận, do vậy phương án này không khả thi.
Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phường án xử lý Trạm thu phí T2, Bộ GT-VT đề nghị Ban quản lý dự án Thăng Long, nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác quyết toán toàn bộ dự án trong tháng 11.2019. Giao Vụ Tài chính chủ trì quyết toán giá trị hoàn thành làm cơ sở xác định chi phí đầu tư dự án và xác định lại thời gian thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ dự án, đặc biệt là quyết toán đoạn QL 91B, kịp thời báo cáo Bộ GT-VT các vướng mắc nếu có để xử lý…
Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 và QL 91B đoạn Km0+000 đến Km15+793 có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp là nhà đầu tư. Doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ – An Giang.
Dự án có 2 Trạm thu phí T1 và T2 trên QL 91. Trong đó, Trạm T1 (Q.Ô Môn, Cần Thơ) bắt đầu thu phí từ 0 giờ ngày 2.4.2016 và Trạm T2 (Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) bắt đầu thu phí từ đầu năm 2017. Trạm T2 đi vào hoạt động đã bộc lộ những bất cập và bị cánh tài xế phản ứng vì họ cho rằng trạm đặt cách ngã ba Lộ Tẻ chừng 300m nhưng thu luôn phương tiện đi theo QL 80 về phà Vàm Cống, Long Xuyên và ngược lại mặc dù các phương tiện này chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT.
Sau khi cầu Vàm Cống khánh thành đưa vào sử dụng (ngày 19.5.2019), Trạm BOT T2 gặp phải sự phản ứng càng gay gắt hơn, buộc nhà đầu tư phải dừng thu phí từ ngày 25.5.2019 đến nay.
Thanh Nguyên