Cuối tháng 6 âm lịch, chị L. đến thăm khám tại bệnh viện. Thai ở tuần thứ 35, phát triển bình thường, sức khỏe sản phụ tốt. Bác sỹ chuyên khoa sản khuyên chị tiếp tục theo dõi nhưng mẹ chồng chị nhất quyết đòi con dâu phải sinh trong tháng 6 âm lịch. Theo bà, tháng 7 âm lịch, tháng “cô hồn” đến khởi công, động thổ, mua sắm còn kiêng cữ nói gì đến sinh đẻ. Con đầu cháu sớm không thể sinh vào tháng này vì đó là tháng của… người âm, xui xẻo, đen đủi, tương lai không tốt.
Sản phụ sinh mổ trước tháng 7 âm lịch ngày càng nhiều
Lần đầu vợ sinh, anh H. khá lo lắng. Nhiều tháng nay, anh lên mạng học “làm bố oline” nên khá hiểu việc sinh con thiếu tháng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mẹ và bé. Chứng kiến mẹ “ép” vợ sinh sớm trước tháng bảy âm lịch, H. một mực phản đối. Anh vừa nhờ bác sỹ tư vấn, khuyên mẹ vừa cố gắng thuyết phục bà bằng các thông tin sinh nở thời hiện đại. Không khí gia đình căng thẳng đến mức, bé chưa chào đời nhưng ngày nào bữa cơm gia đình cũng bị biến thành “hội nghị” về chủ đề… tâm linh sinh đẻ.
Chưa sinh nhưng chị L. đã phải đối diện với áp lực tâm lý nặng nề. Nếu quyết định mổ đẻ ở khi thai ở tuần thứ 35 có thể sẽ không an toàn nhưng nếu chờ đến tháng 7 âm lịch, sau này con có điều gì xui xẻo trong cuộc sống sẽ rất khó ăn nói với mẹ chồng. Sau 1 tuần tranh cãi, cuối cùng vợ chồng anh H. quyết định nghe theo lời khuyên của bác sỹ, không mổ đẻ sớm trước tháng 7. Khỏi phải nói bà nội của các cháu thất vọng đến mức nào nhưng nói như anh H., thời nào rồi mà còn sống “âm lịch” như thế!
Tuy vậy, không phải gia đình nào cũng có thể vượt qua được quan niệm kiêng đẻ tháng “cô hồn”. Tại nhiều bệnh viện, cuối tháng 6 âm lịch, các ca đăng ký sinh đẻ tăng đột biến, đa số là đẻ mổ khi thai chưa đạt ngưỡng đối thiểu 37 tuần.
Y học ngày càng hiện đại nên việc sinh mổ hay sinh thường phải căn cứ vào chỉ định của bác sỹ.
Mới đây, trên trang cá nhân, bác sĩ Lê Duy Toàn, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chia sẻ hình ảnh cho thấy có rất đông sản phụ đang chờ để được mổ đẻ khi chỉ còn vài ngày nữa là đến tháng 7 âm lịch. Bác sĩ Toàn cho hay, có thể do quan niệm dân gian từ trước đến nay cho rằng tháng 7 âm lịch là tháng không tốt nên rất nhiều sản phụ đăng ký để kịp mổ trong tháng 6 dù chưa đến ngày sinh.
Thông tin trên đây từ vị bác sỹ phụ sản ở Hà Nội khiến nhiều người băn khoăn. Anh P.A, ở Hà Tĩnh kể, cách đây mấy năm có người quen vào viện đã vỡ ối, chỉ chờ cấp cứu, con nguy cơ ngạt thở nhưng mẹ chồng khăng khăng không cho mổ vì chưa đến giờ đẹp thầy phán. Rất may sau đó mẹ tròn con vuông nhưng sản phụ được phen hú hồn giờ nói đến sinh con còn hồn xiêu phách lạc. Lại có người khác lẽ ra theo kết quả thăm khám phải 4 - 5 ngày nữa mới sinh nhưng nghe đâu thầy phán hôm đó là ngày đẹp nên phải mổ gấp lôi con ra.
“Đến khổ, chưa ra khỏi bụng mẹ nhưng những đứa trẻ đỏ hỏn đã phải gánh chịu đủ thứ từ những người lớn mê tín, kém hiểu biết. May mắn thì được ra đời, cháu nào đen đủi có khi mang di chứng cả đời thậm chí tử vong ngay trên bàn mổ. Xã hội hiện đại nhưng con người ngày càng đảo điên vì những trò mê muội đến mất cả lý trí”, anh P.A than thở.
Bác sỹ Trịnh Minh Thuần khuyên các bà mẹ chỉ nên sinh mổ chủ động khi có chỉ định của bác sỹ.
Bác sỹ chuyên khoa I Trịnh Minh Thuần, trưởng khoa phụ sản, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực nói, chưa có thống kê chính thức về con số sinh gấp trước tháng 7 âm lịch nhưng tình trạng này khá phổ biến những năm gần đây. Không chỉ kiêng tháng 7 mà còn tình trạng “né” Tết Nguyên Đán, thậm chí tránh cả ngày mùng 1, ngày rằm với quan niệm cũ: “trai mùng một gái hôm rằm” thường khó nuôi, tính cách bướng bỉnh…
“Thai đủ tháng là thai đủ 37 đến 41 tuần. Thông thường bác sỹ khuyên mổ chủ động khi thai đủ 39 tuần là tốt nhất. Tuy nhiên cần căn cứ vào các yếu tố diễn biến sức khỏe của mẹ, của thai để đưa ra lời khuyên, quyết định sinh thường hay sinh mổ. Mổ sớm hơn chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu bất thường mà nếu để thêm sẽ không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé (suy thai, cạn ối, bệnh lý mẹ, bệnh lý thai kỳ…) hoặc mẹ có dấu hiệu chuyển dạ khi có chỉ định mổ lấy thai”, bác sỹ Thuần lý giải.
Theo vị bác sỹ từng có gần 20 năm “mổ đẻ”, đối với một số trường hợp chưa có bất thường hay chuyển dạ mà mổ chủ động trước 37, thậm chí trước 38 tuần có thể gặp một số nguy cơ cho bé, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ sơ sinh.
“Nếu sinh mổ chủ động khi trẻ chưa đủ tháng, trẻ có khả năng bị suy hô hấp cấp hay bị hội chứng phổi ướt. Ngoài ra sinh non còn có thể bị hạ thân nhiệt, xuất huyết não, nhiễm trùng huyết, vàng da”, bác sỹ Trịnh Minh Thuần cảnh báo.
Cuối cùng, bác sỹ Thuần khuyên, vì lợi ích của cả mẹ và bé, chỉ nên sinh mổ chủ động khi có chỉ định của bác sỹ. Không nên sinh mổ chủ động vì các lý do khác như muốn chọn ngày giờ tốt, sợ đau đẻ…
Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc kiêng cữ trong tháng 7 âm lịch đang bị hiểu sai. Nhiều người đang kiêng cữ quá mức, thậm chí kiêng sai theo quan niệm dân gian. Ngày, giờ ra đời của một con người không quyết định được số phận của họ, nhất là khi chỉ định sinh mổ theo ý muốn, không khoa học và không hợp lẽ tự nhiên. Với sự phát triển của y học hiện đại, ngay cả các chuyên gia văn hóa cũng khuyến cáo mọi người cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ, không thể mãi tư duy theo kiểu âm lịch. Đó là quan niệm lạc hậu, sai lầm, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Quang Duy
Nguồn giadinhonline.vn
Link bài gốchttps://giadinhonline.vn/nhung-dua-tre-nhat-dinh-khong-duoc-sinh-ra-trong-thang-co-hon-d200553.html