Theo ncdc.noaa.gov, một nghiên cứu của Cục khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), cho thấy tháng 9 năm 2019 cùng với tháng 9 năm 2015 đã trở thành một trong những tháng ấm áp nhất kể từ khi Cục bắt đầu quan sát. Nhiệt độ đạt 15,95°C – cao hơn 0,95°C so với mức trung bình kể từ đầu thế kỷ 20.
Ở Bắc bán cầu, vào tháng 9 năm 2019, nhiệt độ đã tăng 1,24°C trên mức trung bình. Còn ở Nam bán cầu, tháng 9 này là tháng thứ bảy trong danh sách những tháng nóng nhất. NOAA lưu ý rằng đây không phải là sự gia tăng nhiệt độ một lần, mà là một xu hướng dài hạn. Tháng 9 năm 2019 là tháng thứ 43 liên tiếp nhiệt độ tăng trên mức trung bình. Điều này có nghĩa là lần cuối cùng nhiệt độ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình là vào năm 1985.
Trước đó, các nhà khoa học từ NOAA đã phát hiện ra rằng ở Thái Bình Dương gần bờ biển Bắc Mỹ, đang hình thành một khu vực có nước ấm hơn 5 độ C so với nhiệt độ trung bình của đại dương ở khu vực này. Nhiệt độ nước tăng có thể dẫn đến sự nở rộ của tảo độc, sẽ gây bất lợi cho hệ động vật địa phương.
Còn theo Nature Monday, các nhà nghiên cứu ở Đại học Stanford đã sử dụng mạng nơ ron của Google Earth Engine phân tích dữ liệu định vị vệ tinh bề mặt Trái đất Landsat 5, một sứ mệnh kéo dài từ năm 1993 đến năm 2013. Nhờ đó, họ đã có thể theo dõi sự nở hoa của tảo xanh lam độc hại ở 71 hồ nước ngọt lớn của 33 quốc gia.
Họ tập trung vào dữ liệu về sự nở hoa của tảo độc ở các hồ lớn nhất trên thế giới và đi đến kết luận rằng, trong 30 năm qua, sự nở hoa của tảo độc ở các hồ nước ngọt trên khắp thế giới đã diễn ra trong thời gian dài hơn và dữ dội hơn.
Lý do cho điều này là sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Đó là hiện tượng quá nhiều tảo sinh sản với số lượng nhanh trong nước làm nước bị đục màu xanh và bị ô nhiễm do không có sự cân bằng môi trường. Loài tảo này nguy hiểm cho cả người lẫn cá và động vật.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng tốc độ ra hoa của tảo, đã tăng đáng kể trong thời gian trên, bị ảnh hưởng không chỉ bởi sự gia tăng nhiệt độ, mà còn bởi lượng mưa và việc sử dụng phân bón.
Vũ Trung Hương