Ý thức của người dân trong công tác bảo tồn động vật hoang dã đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Khi hiểu rõ tầm quan trọng của các loài động vật đối với hệ sinh thái và môi trường sống, người dân sẽ chủ động hơn trong việc bảo vệ, không tham gia vào hoạt động săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục tại cộng đồng và trường học, ý thức bảo vệ thiên nhiên đang dần được lan tỏa. Sự tham gia tích cực của người dân chính là nền tảng vững chắc cho nỗ lực bảo tồn bền vững và hiệu quả. Đơn cử, tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai cho thấy, từ năm 2024 đến tháng 5/2025, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 393 vụ xâm nhập trái phép để săn bắt động vật hoang dã, thu giữ hơn 8.700 công cụ đặt bẫy và súng kích điện.
Nhiều cá thể như chồn bạc má, cầy vòi hương, lợn rừng... đã được giải cứu khỏi bẫy rập. Những con số nêu trên cho thấy tình trạng xâm hại tài nguyên rừng vẫn đang diễn ra nghiêm trọng. Động vật hoang dã tiếp tục trở thành mục tiêu săn lùng bởi lợi ích kinh tế trước mắt.
Thông tin từ Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho thấy, trong vòng 50 năm qua, 75% quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã biến mất, nguyên nhân lớn nhất là do con người sử dụng, tiêu thụ chúng. Đặc biệt vào tháng 5/2025 tại Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, một cá thể voi con bị rơi xuống giếng cạn và tử vong, ngay sau đó phần lông đuôi của voi con đã bị lấy đi hết. Lãnh đạo khu bảo tồn, cho biết: Vụ việc này đặt ra nhiều vấn đề về nhận thức và hành vi của con người đối với động vật hoang dã.
Tái thả động vật hoang dã về với tự nhiên được nhiều địa phương triển khai nhằm bảo tồn hệ sinh thái.
Theo Chi Cục Kiểm lâm Khu vực 3 (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), muốn bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã hiệu quả, phải nhìn thẳng vào thực tế không có người tiêu dùng thì sẽ không có người săn bắt. Muốn giải quyết tận gốc, phải xác định rõ ai là người đi săn, ai là người mua bán và ai là người sử dụng để có giải pháp phù hợp.
Trước thực tế trên cần giải pháp đồng bộ để bảo tồn động vật hoang dã. Để góp phần vào công cuộc bảo tồn, chiến dịch “Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” do Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam triển khai tại ba tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng đã bước sang năm thứ hai được ủng hộ tích cực.
Hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức và hành vi, đặc biệt là ở các vùng đệm giáp ranh vườn quốc gia. Nhờ đó, đến nay đã có 144 cơ sở kinh doanh, gây nuôi động vật hoang dã tự nguyện ký cam kết không săn bắt, buôn bán, tàng trữ, chế biến các loài động vật hoang dã trái phép.
Từ các hoạt động truyền thông như vậy, hiệu quả thiết thực đã dần được ghi nhận. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cát Tiên) tiếp nhận khoảng 200 cá thể động vật hoang dã, trong đó khoảng 60% do người dân tự nguyện giao nộp.
Đáng chú ý, Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước cho rằng, dưới góc độ pháp lý, việc xử lý các vụ án liên quan đến động vật hoang dã thường gặp khó khăn do thời gian giám định tang vật kéo dài, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Công an, Viện Kiểm sát, Hải quan, Quản lý thị trường... để đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Do đó, nên tổ chức nhiều phiên tòa lưu động xét xử các vụ vi phạm về động vật hoang dã để vừa răn đe, vừa nâng cao hiệu quả tuyên truyền tại cộng đồng.
Ngoài ra, theo Lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Tiên, mặc chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh chừng 100 km, nhưng nơi đây vẫn còn những đàn voi, đàn bò tót sinh sống. Mỗi lần bắt gặp chúng, họ càng thêm động lực để bám rừng, giữ rừng. Trung bình mỗi tháng, khoảng 100 kiểm lâm viên tại Vườn quốc gia Cát Tiên phải đi tuần tra hơn 6.700 km, có tháng lên đến hơn 7.000 km.
Tái thả động vật hoang dã về với tự nhiên được nhiều địa phương triển khai nhằm bảo tồn hệ sinh thái.
Hiện nay, Vườn quốc gia Cát Tiên là nơi cư trú của hơn 1.500 loài động vật, trong đó có 113 loài quý hiếm, gần 43 loài bị đe dọa tuyệt chủng như: voi, bò tót, gấu ngựa, chà vá chân đen, tê tê…
Bên cạnh đó, tại Khu bảo tồn Thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai, hiện có hơn 1.800 loài động vật, trong đó 141 loài nguy cấp, quý hiếm và 22 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Với tổng diện tích hơn 966.000 ha, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới vào năm 2011.
Đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao đặt lên vai các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và từng người dân. Giữ được những cánh rừng và sự sống hoang dã là giữ lại bản sắc sinh thái của đất nước.
Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, có ý nghĩa lâu dài trong việc gìn giữ sự cân bằng sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học.
Trong bối cảnh nhiều loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng do săn bắt trái phép, buôn bán bất hợp pháp và mất môi trường sống, việc thay đổi nhận thức người dân – đặc biệt là tại các địa phương gần rừng, khu bảo tồn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Khi hiểu rõ vai trò thiết yếu của động vật hoang dã trong tự nhiên, người dân sẽ hình thành thái độ tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động bảo tồn như không săn bắt, không tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ động vật quý hiếm, đồng thời sẵn sàng tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục cần được đổi mới về hình thức và nội dung, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi và vùng miền, kết hợp giữa truyền thống và công nghệ số để tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Chỉ khi nhận thức thay đổi một cách thực chất và sâu rộng trong cộng đồng, công tác bảo tồn mới có thể đạt được hiệu quả bền vững. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn mà còn là sứ mệnh chung của toàn xã hội nhằm bảo vệ di sản thiên nhiên quý giá cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Thu Trang