Thực hiện chương trình giám sát, hôm nay (13/11), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018.
Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018.
Theo báo cáo giám sát, giai đoạn 2014 - 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh; số lượng các cơ sở, công trình, khu công nghiệp, khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, nhà siêu cao tầng, chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở khác ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô; trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị, biến đổi khí hậu, phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất ở nhiều nơi còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, đã tác động không nhỏ đến tình hình cháy, nổ và công tác PCCC trên cả nước.
Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Quang Thắng
Còn 110 chung cư, nhà cao tầng chưa được nghiệm thu PCCC
Từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.
Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10.000 vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3.000 vụ cháy từ khi phát sinh.
Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ thành lập lực lượng PCCC ở cơ sở còn thấp so với quy định (đội dân phòng đạt tỷ lệ 23%; đội PCCC cơ sở đạt tỷ lệ 66%; đội PCCC chuyên ngành đạt tỷ lệ 63%).
Xã hội hóa PCCC chưa hiệu quả
Đánh giá chi tiết những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCCC còn chậm, thậm chí có văn bản chưa được ban hành theo quy định của Luật PCCC; một số quy định thiếu tính khả thi hoặc đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hoặc có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào một số dịp cao điểm; địa điểm chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn… chưa quan tâm đến khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đối tượng được tuyên tuyền chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền thiếu sự đổi mới, chưa căn bản, chưa tiếp cận được đến tất cả các tầng lớp quần chúng nhân dân. Chất lượng công tác tuyên truyền chưa cao, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình cho đến người dân chưa có ý thức trách nhiệm về PCCC. Việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền tại một số địa phương, đơn vị, cơ sở chưa tương xứng với yêu cầu.
Tại một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCCC còn mang tính hình thức, chưa thực sự quyết liệt, chưa có hiệu quả thực chất. Một số quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP chưa được các đơn vị, địa phương tập trung triển khai.
Việc thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa công tác PCCC, khuyến khích đầu tư kinh doanh dịch vụ PCCC chưa hiệu quả vì chưa có cơ chế, chính sách phù hợp cũng như thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, thống nhất từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương.
Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm
Về tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về PCCC, theo đánh giá của Đoàn giám sát lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm, thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mình về công tác PCCC, chưa gắn công tác này với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành, địa phương, đơn vị; chưa chủ động, thường xuyên thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra, có nơi coi công tác kiểm tra về PCCC là của lực lượng Cảnh sát PCCC; chưa quan tâm đầu tư, trang bị và các điều kiện đảm bảo cho an toàn PCCC, công tác xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết.
Việc tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật PCCC tại địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, chưa triệt để. Chưa chú trọng rà soát các tiêu chuẩn ngành liên quan đến một số lĩnh vực, công trình, phương tiện đặc thù để kịp thời kiến nghị sửa đổi, hoặc ban hành theo thẩm quyền theo quy định của Luật PCCC (cụ thể như: Chưa ban hành văn bản hướng dẫn về công tác quy hoạch có liên quan đến PCCC; tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC tại địa phương).
Việc triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống PCCC chỉ được thực hiện tại các thành phố lớn; các địa phương còn lại triển khai chậm hoặc không triển khai; trong số các Đề án quy hoạch đã phê duyệt, có rất ít đề án gắn quy hoạch về PCCC với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị ở địa phương nên rất khó khăn trong triển khai thực hiện.
Tình hình cháy nổ nhà cao tầng, siêu cao tầng diễn biến phức tạp
Về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong PCCC, còn thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, chưa thực sự quyết liệt, triệt để. Tại các địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC.
Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC liên quan đến lợi ích doanh nghiệp và quan hệ kinh tế - xã hội phức tạp, có những trường hợp không giải quyết được dứt điểm.
Tình trạng vi phạm các quy định về PCCC trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch tại các đô thị lớn còn xảy ra nhiều, một số công trình được đưa vào sử dụng, nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; một số công trình chủ đầu tư tự thay đổi công năng, tự ý chuyển đổi thiết kế xây dựng...
Tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, ở nhiều địa bàn, cơ sở trọng điểm, nhà cao tầng - siêu cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung, nhà ở kết hợp kinh doanh, phương tiện giao thông thủy, bộ...
Trong khi đó, các lực lượng chức năng chưa chú trọng việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về PCCC “có khả năng thực tế gây thiệt hại” theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Nhiều quy định không còn phù hợp
Lý giải nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC, Đoàn giám sát chỉ rõ, nhiều quy định của pháp luật về PCCC không còn đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội; một số tiêu chuẩn đã cũ không còn phù hợp với thực tế, một số loại công trình mới nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn để áp dụng, chế tài xử phạt nhẹ.
Bên cạnh đó, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Một nguyên nhân khác là do tồn tại của lịch sử, những tồn tại, bất cập về hạ tầng kinh tế - xã hội, trụ sở các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng không thể khắc phục được ngay do thiếu kinh phí, đòi hỏi phải có lộ trình thời gian và những giải pháp tổng thể về quy hoạch.
Chưa bố trí được nguồn ngân sách để quy hoạch, đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống giao thông, nguồn nước, phục vụ cho công tác chữa cháy nên hiệu quả công tác chữa cháy chưa cao.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát; chỉ đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác giám sát về PCCC; gắn yêu cầu bảo đảm công tác PCCC trong hoạt động thẩm tra, xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PCCC; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan đến PCCC.
“Ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị; chỉ đạo bố trí ngân sách PCCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác xã hội hóa PCCC; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế về PCCC; có chính sách phù hợp khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở PCCC, nghiên cứu, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC, tham gia hoạt động PCCC” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết.
Đoàn giám sát đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương nói chung và một số bộ, ngành cụ thể trực tiếp liên quan đến công tác PCCC, nhất là kiến nghị đối với Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCCC; tập trung vào các nhóm giải pháp: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật; việc bảo đảm các điều kiện PCCC; hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; công tác xây dựng lực lượng PCCC, đầu tư kinh phí, mua sắm trang bị, phương tiện, thực hiện chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác./.