Cảm giác cực khoái được người Pháp miêu tả là "la petite mort" ("cái chết nhỏ"), thế nhưng các bác sĩ ở Paris đã cho thấy cụm từ này mang nghĩa đen nhiều hơn là hàm ý ban đầu.
Một nghiên cứu mới cho thấy khoảnh khắc đạt đến khoái lạc tột đỉnh thực sự có thể gây tử vong, mà nam giới có nguy cơ tử vong vì ngừng tim trong khi quan hệ tình dục cao gấp 4 lần phụ nữ, rất có thể là do các chàng "quá xấu hổ, ngượng ngùng" nên không thể lên tiếng yêu cầu giúp đỡ.
Các nhà khoa học tại Bệnh viện Châu Âu Georges-Pompidou ở Paris, Pháp đã xem xét 246 người từng bị ngừng tim trong chương trình nghiên cứu của mình. Trong số đó, số người bị ngừng tim trong khi tập thể thao chiếm 56%, 37% gặp sự cố trong khi tham gia các hoạt động bình thường khác (như làm vườn) và chỉ có 7% bị ngừng tim trong khi đang tình dục. Đa số người tham gia chương trình nghiên cứu này là nam giới.
Ngừng tim xảy ra khi tim ngừng đập dẫn đến chấm dứt sự lưu thông bình thường của máu - thường gây ra bởi cơn đau tim - và có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nhìn chung, nam giới có nhiều nguy cơ bị ngừng tim hơn phụ nữ.
Mặc dù ngừng tim trong khi quan hệ tình dục là rất hiếm xảy ra, nhưng cơ hội sống sót lại thấp hơn: Chỉ có 11,8% so với 50,2% ở những người không “làm chuyện ấy” vào thời điểm xảy ra các cơn đau tim. Điều này dường như là do chưa đến một nửa số nam giới bị ngừng tim trong khi đang quan hệ tình dục được thực hiện hồi sức tim phổi (CPR), trong khi ở những người bị ngừng tim trong khi đang làm những hoạt động khác thì cứ 5 người là có đến 4 người được thực hiện kỹ thuật CPR.
Bình luận về những phát hiện này, Bác sĩ Trưởng nhóm nghiên cứu Ardalan Sharifzadehgan nói: "Nếu có người chứng kiến... thì sẽ tốt hơn cho bệnh nhân vì có một người ngoài cuộc để thực hiện CPR cho họ - nhưng đôi khi chúng ta có một người chứng kiến chẳng làm bất cứ điều gì ... Do họ bị sốc, họ không biết phải xử trí thế nào. Người nam thì đang trong tình trạng trần truồng, hoặc cả hai đều không mặc áo quần, có thể họ ngại cầu cứu hàng xóm láng giềng. Họ cảm thấy rất xấu hổ, rất ngượng ngùng".
Do vậy ông kêu gọi bất cứ ai nhìn thấy người nào đó bị ngừng tim thì cần phải nhanh chóng hành động - bất kể tình hình lúc đó thế nào: "Điều đầu tiên cần làm là gọi hàng xóm sang giúp đỡ. Tiếp sau đó, người nào có thể thực hiện kỹ thuật CPR thì tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân, và một người khác thì gọi cấp cứu".
Bác sĩ Jeremy Pearson, Phó giám đốc Tổ chức Tim mạch Anh, ủng hộ lời khuyên này. Ông nói: "Chúng tôi muốn mọi người làm CPR ở bất cứ nơi nào có người cần được hồi sinh".
Những điều cần biết về CPR
CPR (hồi sức tim phổi) là kỹ thuật cấp cứu trong những trường hợp ngừng tim đột ngột hoặc có mạch đập nhưng không thở.
Các dấu hiệu nhận biết...
- Nếu một người bất tỉnh và không thở, họ đang bị ngưng thở và cũng có thể bị ngừng tim.
- Những hướng dẫn mới lưu ý rằng trong trường hợp đó, không nên lãng phí thời gian với việc cố gắng tìm mạch của bệnh nhân.
- Thay vào đó, nên tiến hành ngay kỹ thuật CPR cho người bị mất phản ứng và không thở bình thường, vì dù trì hoãn chỉ 1 hoặc 2 phút để tìm mạch của bệnh nhân thì đã có thể tác động rất xấu đến kết quả cấp cứu.
- Nếu bệnh nhân không thở, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, thông báo rằng nạn nhân không thở. Bạn cũng nên tiến hành hồi sức cho đến khi bệnh nhân bắt đầu hít thở hoặc nhân viên y tế đến nơi.
Thực hiện ép ngực ...
- Đặt người bệnh nằm ngửa trên bề mặt cứng, chắc chắn.
- Quỳ xuống bên cạnh cổ và vai nạn nhân. Đặt gót bàn tay vào giữa ngực nạn nhân, ở 1/3 dưới xương ức. Chồng gót bàn tay còn lại lên bàn tay kia, đang các ngón tay lại với nhau.
- Giữ thẳng khuỷu tay, vai thẳng với góc tay và sử dụng trọng lượng phần trên của cơ thể để ấn thẳng xuống theo chiều dọc, ép ngực từ 4 đến 5 cm. Sau mỗi lần ấn thì buông thả tất cả các áp lực lên ngực rồi lặp lại.
- Ấn mạnh và đều sao cho đạt đến tốc độ khoảng 100 đến 120 lần mỗi phút.
Thực hiện hô hấp nhân tạo ...
- Ngửa đầu bệnh nhân về phía sau và nhấc cằm họ lên. Bịt mũi họ bằng hai ngón tay.
- Hít một hơi thật sâu và áp miệng của bạn lên miệng người đó.
- Thổi từ từ vào miệng của người bệnh - phải mất khoảng 2 giây mới đủ để thổi phồng ngực người bệnh lên.
- Hà hơi thổi ngạt 2 lần, sau đó kiểm tra xem lồng ngực của bệnh nhân có nâng lên khi bạn thổi vào bệnh nhân - điều này có nghĩa là nó đang làm việc.
- Lặp lại quy trình này cho đến khi có sự trợ giúp hoặc người đó bắt đầu thở trở lại.
- Luân phiên giữa 30 lần ép ngực và 2 lần thở nhân tạo cho đến khi có sự trợ giúp của lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp.
Trần Ngọc (Theo Net Doctor)