(HNM) - Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa chứng kiến một bước ngoặt tích cực, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chính thức đặt bút ký vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào rạng sáng 16-1-2020 (giờ Việt Nam).
Việc hai bên ký thỏa thuận giai đoạn 1 là bước tiến quan trọng sau nhiều tháng áp thuế trả đũa lẫn nhau, gây xáo trộn chuỗi cung ứng hàng hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Việc ký kết lần này được Tổng thống Mỹ D.Trump đánh giá là động thái mang đến một tương lai công bằng và an ninh kinh tế cho công nhân, nông dân Mỹ. Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ nghiêm túc thực thi các điều khoản trong thỏa thuận và xem đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Trọng tâm của thỏa thuận giai đoạn 1 nằm ở việc Trung Quốc cam kết mua ít nhất 200 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp cùng những hàng hóa và dịch vụ khác của Mỹ trong vòng hai năm. Theo đó, Bắc Kinh sẽ mua của Mỹ ít nhất 32 tỷ USD hàng nông sản; hơn 52 tỷ USD các sản phẩm năng lượng (dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và nhiên liệu hóa dầu); gần 40 tỷ USD các dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính và khoảng 77,7 tỷ USD các hàng hóa công nghiệp Mỹ. Đổi lại, Washington cam kết không áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc, nhưng cũng không vội dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế đã áp. Cụ thể, mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ được giữ nguyên, mức thuế 15% được áp từ ngày 1-9-2019 lên 120 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc (ti vi màn hình phẳng, tai nghe bluetooth, giày dép...) sẽ giảm xuống mức 7,5%; thuế nhập khẩu đối với điện thoại di động, đồ chơi và máy tính xách tay do Trung Quốc sản xuất được hủy bỏ. Các điều khoản sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau thời điểm ký kết.
Thỏa thuận đầu tiên này sẽ đưa quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc sang một trang mới, nhưng chắc chắn chưa thể giải quyết được những bất đồng khiến chính quyền của ông D.Trump hài lòng, ví dụ việc Trung Quốc lâu nay hỗ trợ các công ty nhà nước và làm tràn ngập thị trường quốc tế với hàng hóa giá rẻ. Bên cạnh đó, Tổng thống D.Trump hiện vẫn theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết" nhằm tái cân bằng thương mại toàn cầu có lợi cho các công ty và công nhân Mỹ. Việc Mỹ chưa dỡ bỏ thuế quan là dấu hiệu cho thấy Washington vẫn muốn “nắm đằng chuôi” trong các đàm phán sắp tới. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ chỉ đồng ý xóa bỏ các mức thuế còn lại sau khi hai bên đi đến thỏa thuận giai đoạn 2.
Mặt khác, thỏa thuận này bị giới phân tích đánh giá là còn lỗ hổng như: Chưa gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan vốn đang gây đình trệ nền kinh tế toàn cầu; chưa rõ ràng trong hình thức xử lý khi có vi phạm xảy ra nên dễ trở thành "ngòi nổ" cho cuộc chiến thuế quan mới. Ngoài ra, mục tiêu mua hàng từ phía Trung Quốc đối với Mỹ cũng chưa có gì được bảo đảm. Đây cũng là quan điểm được Phó Thủ tướng Trung Quốc đề cập ngay sau lễ ký kết. Ông Lưu Hạc tuyên bố, việc các công ty nước này đặt mua bao nhiêu hàng từ Mỹ còn tùy thuộc vào nhu cầu thị trường trong nước. Một số ý kiến cũng nhận định, để đạt được mục tiêu mua hàng, Bắc Kinh sẽ phải giảm hoặc miễn thuế đối với nhiều mặt hàng Mỹ, là điều khó có thể xảy ra trong bối cảnh mọi sự “ưu đãi” đều có thể được sử dụng làm đòn bẩy trong các đàm phán với Washington.
Dù chưa thể giúp các chuyên gia kinh tế “thở phào”, việc Mỹ và Trung Quốc hoàn tất ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn là tín hiệu được dư luận hoan nghênh. Động thái này cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nước đã dần gỡ được "nút thắt" sau một thời gian dài khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo.