(HNM) - Sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông qua kế hoạch cắt giảm 9.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức đang khiến giới chức nước này lo ngại và cảnh báo về nguy cơ quan hệ đồng minh giữa hai nước sẽ bị tổn hại sau động thái trên.
Hiện có khoảng 34.500 binh lính Mỹ được triển khai trên lãnh thổ Đức cùng với khí tài quân sự và cả vũ khí hạt nhân ở nhiều căn cứ quân sự khác nhau. Phía Mỹ cho biết, khoảng 1/3 binh lính nước này đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở châu Âu sẽ rời khỏi Đức trong 3 tháng tới. Tổng thống D.Trump đặt ra giới hạn là trong tương lai không để nhiều hơn 25.000 binh lính Mỹ tại quốc gia Tây Âu này.
Thông tin Nhà Trắng đẩy mạnh việc rút quân được đưa ra khi mối quan hệ giữa Mỹ và Đức có xu hướng khá lạnh nhạt trong nhiệm kỳ của ông D.Trump. Ông chủ Nhà Trắng từng chỉ trích cách xử lý chính sách người di cư của Thủ tướng Angela Merkel cũng như dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Đáng chú ý, người đứng đầu nước Mỹ cũng đã công kích nền kinh tế lớn nhất châu Âu khi Berlin không đồng ý dành 2% GDP cho ngân sách thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Về phần mình, Đức là thành viên NATO phản đối mạnh nhất sự chỉ trích của ông D.Trump về mức đóng góp về tài chính, lưu ý rằng tất cả các đồng minh đều làm việc theo những mục tiêu chi tiêu đã thỏa thuận trước đó.
Giới chức Đức bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. Nhiều nghị sĩ cho rằng động thái mới nhất của Washington không khác gì “lời cảnh tỉnh” để các quốc gia châu Âu đến lúc phải “tự định hình tốt hơn về chính sách an ninh”. Còn các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng A.Merkel bày tỏ phản ứng mạnh mẽ.
Ông Johann Wadephul, Phó Chủ tịch liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cầm quyền cho rằng chính quyền Tổng thống D.Trump đã bỏ qua yếu tố quan trọng là tham khảo đồng minh trong quá trình ra quyết định. Trong khi đó, các đối tác của Mỹ tại châu Âu đánh giá, động thái này sẽ phá hoại NATO và đem lại lợi ích cho các đối thủ truyền thống của phương Tây.
Những nhà ngoại giao kỳ cựu ở cả hai nước đều nhất trí rằng quan hệ Mỹ - Đức mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt khi Anh đã rời Liên minh châu Âu. Đức là quốc gia đông dân nhất châu Âu, đồng thời là đầu tàu kinh tế cho cả châu lục và đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Các công ty Đức tạo ra gần 700.000 việc làm tại xứ Cờ hoa.
Về phía Mỹ, Washington có khoảng 35.000 quân đồn trú trên lãnh thổ Đức, biến quốc gia Tây Âu này trở thành cầu nối quân sự quan trọng nhất của mình. Những căn cứ quân sự của Mỹ tuyển dụng gần 12.000 nhân công tại Đức và hàng chục nghìn lao động khác cũng phụ thuộc vào sự hiện diện quân sự của Mỹ. Do đó, việc Washington quyết định rút quân không chỉ tổn hại về an ninh mà còn cả kinh tế cho nước Đức.
Ngược lại, các nhà phân tích cho rằng, Mỹ sẽ gánh chịu tổn thất về mặt chiến lược. Dù số lượng quân Mỹ tại Đức đã giảm mạnh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, song quốc gia Tây Âu này vẫn là một trung tâm đồn trú quan trọng đối với quân đội xứ Cờ hoa. Trong đó, Mỹ sử dụng những căn cứ tại Đức để điều phối các hoạt động quân sự ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Gần như toàn bộ các chuyến bay quân sự Mỹ đến Iraq hoặc Afghanistan phải đi qua căn cứ Ramstein, phía Tây Nam nước Đức. Đây là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
Thế nên, bên cạnh một số nhận định rằng việc Mỹ rút quân mở ra một cánh cửa để châu Âu bớt phụ thuộc vào Washington, thì phần nhiều ý kiến quan ngại diễn biến này sẽ làm xói mòn niềm tin về nền tảng chiến lược của quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.