Những hạt cát trắng mịn dưới chân bạn có thể là phân của loài cá sặc sỡ này
Điều tưởng chừng như kỳ lạ nhưng lại là thực tế ở bãi biển nổi tiếng tuyệt đẹp - Hawaii. Cát trắng ở Hawaii không chỉ đơn giản được hình thành từ những tảng đá nhỏ mịn mà thêm vào đó còn là phân của cá vẹt.
Cá vẹt, một loài cá vùng nhiệt đới có thân hình to lớn và nhiều màu sắc. Chúng thường sống trong các rạn san hô hoặc gần bờ biển trên khắp thế giới (Ảnh: Pinterest)
Những loài tảo gây hại là một vấn đề lớn đối với sự phát triển của san hô. Tảo xuất hiện dày đặc khiến san hô không nhận được ánh sáng mặt trời, kích thích sự bùng phát của vi sinh vật gây bệnh trên san hô. Cá vẹt giúp loại bỏ đi những trở ngại này bằng cách chọn tảo làm nguồn thức ăn chính.
Loài cá này sẽ trở thành một chiếc “máy xúc đất” khi chúng thực hiện công việc ăn tảo trên san hô. Trong một phút, cá vẹt nhai và nuốt một số lượng lớn các loài tảo sống xung quanh san hô hay những loài sinh vật gây hại khác. Sau đó, nó tiêu hóa và thải ra môi trường bên ngoài, cụ thể ở đây chính là bờ biển nổi danh thế giới- Hawaii.
Các nhà khoa học nói gì về hiện tượng vô cùng thú vị này?
Hệ tiêu hóa của cá vẹt hoạt động rất hiệu quả, tất cả thức ăn đều được nghiền nát và thải ra ngoài là cát canxi carbonate tinh khiết và sáng đẹp. Nhà sinh vật học biển Ling Ong đang làm việc tại Phòng nghiên cứu SWCA về Môi trường biển, cho biết những con cá vẹt Hawaii có thể tạo ra khối lượng cát lên tới 362 kg mỗi năm.
“Ở những nơi như Hawaii hay các hòn đảo giữa biển, chúng ta có rất ít nguồn cát từ đất liền cho nên phần lớn cát ở đây có nguồn gốc từ sinh học hoặc các loài vật trong tự nhiên. Vì thế, nếu bạn đang bước đi trên bờ biển Hawaii, nghĩa là bạn đang bước trên phân của cá vẹt, của loài nhím biển hay một số loài sâu biển”, ông Ong cho biết.
Tuy nhiên, không phải bãi cát nào trên thế giới cũng được hình thành từ chất thải của các loài sinh vật. Phần lớn cát được tạo thành khi đá bị phá vỡ do sự phong hóa và xói mòn kéo dài hàng ngàn năm hay thậm chí là hàng triệu năm.
Trước khi đến được bờ biển, đá lăn chậm rãi xuống các con sông hay suối và liên tục bị phá vỡ trên đường đi. Cát từ đá vỡ trên đất liền đổ xuống đại dương và tạo thành các bãi cát dọc theo bờ biển. Riêng ở những vùng biển đảo nhiệt đới, quá trình này khó xảy ra vì vậy có lẽ nhờ loài cá vẹt kì lạ này mà chúng ta mới có được những bãi cát long lanh như vậy.
Video liên quan:
Những bãi cát vàng óng ven biển hóa ra lại là phân cá? (Theo BlueWorldTV)
=> Kỳ lạ: Hang băng sâu 85 mét chưa bao giờ tan chảy kể cả vào mùa hè