Sạt lở tại km 11, Quốc lộ 34 thuộc địa phận xã Yên Định (Bắc Mê) gây ách tắc giao thông.
Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, thiên tai xảy ra liên tiếp, tính chất ngày càng phức tạp, mức độ tàn phá ngày càng lớn, điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố quan trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt hơn. Liên quan vấn đề này, mới đây người đứng đầu Chính phủ khẳng định, BĐKH, thiên tai ngày càng phức tạp, gây hậu quả khốc liệt; do đó, ứng phó BĐKH cần hành động nhanh hơn, trong đó có việc thực hiện cam kết về giảm phát thải; bối cảnh tình hình hiện nay càng khẳng định phát triển xanh là xu hướng tất yếu. Nhằm đối phó với BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng hydrogen; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; kế hoạch hành động quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững; đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai; đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng...
Trong kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, tỉnh ta xác định việc bảo vệ, phát triển rừng là một trong những giải pháp quan trọng và đã có nhiều hoạt động được triển khai như trồng 1 tỷ cây xanh, tăng thu nhập cho người dân thông qua dịch vụ môi trường rừng, hướng tới mục tiêu bán tín chỉ carbon... Một trong những tín hiệu vui, được kỳ vọng góp phần tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ rừng bền vững, hạn chế những thiệt hại của thiên tai gây ra do BĐKH đó là mới đây, tại cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đề án phải hình thành và vận hành nhuần nhuyễn sàn giao dịch carbon trong nước cả về pháp lý, con người, cơ chế chính sách. Việc phát triển thị trường carbon góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp; phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với BĐKH, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong giai đoạn 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ trên sàn giao dịch carbon; nghiên cứu khả năng kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Tỉnh ta có diện tích rừng lớn thứ 3 khu vực Trung du, miền núi phía Bắc với khoảng 90.000 ha rừng tự nhiên có trữ lượng (rừng giàu 845 ha, rừng trung bình 27.754 ha, rừng nghèo 61.314 ha) đây là những diện tích rừng có thể hấp thụ CO2 nhiều nhất; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 59%. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, rừng của tỉnh ta là bể chứa carbon khổng lồ, có thể mang lại nguồn thu rất lớn cho địa phương khi thị trường tín chỉ carbon được vận hành. Khi có thêm nguồn thu nhập từ rừng, người dân sẽ tiếp tục nâng cao ý thức trồng, bảo vệ rừng, diện tích che phủ rừng sẽ được mở rộng, chất lượng rừng được nâng cao và qua đó sẽ góp phần quan trọng, giảm thiểu được tác động tiêu cực của BĐKH đối với cuộc sống người dân.
Bài, ảnh: TIẾN CHIẾN
Nguồn baohagiang.vn
Link bài gốchttps://baohagiang.vn/xa-hoi/202410/giam-thieu-tac-dong-tieu-cuc-cua-bien-doi-khi-hau-den-cuoc-song-nguoi-dan-be3239e/