Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM - Ảnh: VGP/Hà Trang
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết, buổi làm việc nhằm tìm hiểu thông tin, thực trạng quản lý nhà nước về thuốc, thực phẩm và công tác theo dõi, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý thuốc giả, thực phẩm giả của địa phương cũng như nhận diện những hạn chế, khó khăn trong hệ thống pháp luật và trong tổ chức thực hiện về dược, an toàn thực phẩm.
Sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi
Theo nhận định của các cơ quan chức năng TPHCM, tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả hiện nay diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trước đây, hàng giả lưu thông trên thị trường đa số là sản phẩm làm giả bao bì, tem nhãn mạo danh sản phẩm thật; tập trung vào những loại mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, các thương hiệu lớn trên thị trường.
Hiện nay một số cơ sở sản xuất hàng giả tự tạo mẫu sản phẩm không được cấp giấy đăng ký lưu hành, tự đặt tên cơ sở sản xuất, in số đăng ký hoặc số công bố sản phẩm giả, sử dụng mã vạch, mã QR giả, tem chứng nhận sản phẩm giả để đánh lừa cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng…
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mạng xã hội và các kênh bán hàng trực tuyến cũng khiến hoạt động quản lý, giám sát việc quảng cáo, mua bán hàng hóa trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, “Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) TPHCM đã triển khai nhiều đợt ra quân đấu tranh phòng chống tội phạm về sản xuất kinh doanh hàng gian, hàng giả trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thuốc, dược liệu, mỹ phẩm, thiết bị y tế do Sở Y tế quản lý; lĩnh vực thực phẩm, thực phẩm chức năng do Sở An toàn thực phẩm quản lý. Ngoài ra, hàng năm, mỗi sở, ngành đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với lĩnh vực sở, ngành phụ trách.
Thành phố đã tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, định kỳ và đột xuất gồm Sở Y tế, Công an, Quản lý thị trường,... để tập trung kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu nghi vấn, điểm nóng, khu vực giáp ranh hoặc có nhiều phản ánh của người dân.
Để ngăn chặn thuốc giả, thực phẩm giả, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế tăng cường phối hợp với Sở Công Thương, Sở Văn hóa và Thể thao kiểm soát việc kinh doanh, quảng cáo qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; công khai danh sách và vị trí các cơ sở vi phạm trên nền tảng số để người dân tra cứu, giám sát.
Bên cạnh đó, Thành phố đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý thuốc toàn diện từ nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối đến cơ sở bán lẻ để đảm bảo mỗi loại thuốc đều được theo dõi xuyên suốt vòng đời. Cơ sở kinh doanh dược bắt buộc sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, tích hợp với dữ liệu kê đơn thuốc điện tử để đồng bộ hóa thông tin kinh doanh thuốc.
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, trong 18 tháng (từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2025), các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã kiểm tra hơn 27.700 doanh nghiệp, cơ sở. Qua đó, phát hiện và xử lý 1.475 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, trong đó có nhiều vụ là thuốc và thực phẩm chức năng. Công an TPHCM đã triệt phá 9 vụ việc sản xuất và buôn bán thuốc giả.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nêu các kiến nghị của TPHCM với Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội
Các địa phương cần nâng cao năng lực giám sát không gian mạng
Tại buổi làm việc, TPHCM kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và tăng khung hình phạt; bổ sung mức xử phạt nặng đối với hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế sớm hoàn thiện quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm để tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thuốc, thực phẩm.
Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương xây dựng kho lưu giữ, bảo quản tang vật, vật chứng cho các lực lượng chức năng để phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Để tăng cường hiệu quả quản lý quảng cáo thuốc, thực phẩm và kinh doanh trái phép trên nền tảng thương mại điện tử, cần có sự hoàn thiện hơn nữa về cơ sở pháp lý liên ngành, nâng cao năng lực giám sát không gian mạng; phối hợp chặt chẽ với các nền tảng công nghệ (như Facebook, TikTok, YouTube…) để kiểm soát, gỡ bỏ nội dung vi phạm một cách kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, Thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến tại buổi làm việc và gửi báo cáo chính thức của Thành phố cho Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đồng thời mong muốn các kiến nghị của Thành phố sẽ được Đoàn công tác đề xuất trong Phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa và Xã hội và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, từ đó sẽ có hành lang pháp lý cho các địa phương trên cả nước triển khai thực hiện.
Lê Anh
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/kien-nghi-tang-khung-hinh-phat-voi-hanh-vi-san-xuat-kinh-doanh-hang-gia-102250722173414133.htm