Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, mật độ dân số tăng nhanh và những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách tại TP.HCM. Thành phố đang đứng trước yêu cầu không chỉ thu gom và xử lý hiệu quả lượng rác thải khổng lồ mỗi ngày, mà còn phải từng bước chuyển đổi công nghệ, xây dựng cơ chế quản lý đồng bộ, hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống cho gần 10 triệu dân.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, mỗi ngày, toàn thành phố phát sinh khoảng 14.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, riêng khu vực TP.HCM (trước sáp nhập) chiếm khoảng 10.500 tấn/ngày, khu vực Bình Dương cũ khoảng 2.400 tấn và khu vực Bà Rịa -Vũng Tàu cũ khoảng 1.100 tấn. Dù khối lượng lớn, nhưng thành phố vẫn duy trì được tỷ lệ thu gom và xử lý đạt 99,3%, đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh địa bàn trải rộng và dân cư đông đúc.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 90% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Tuy nhiên, phương pháp xử lý vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay, khoảng 60% rác thải vẫn đang được chôn lấp hợp vệ sinh, chỉ khoảng 40% được xử lý thông qua công nghệ đốt, tái chế hoặc compost. Điều này vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa đặt ra nguy cơ ô nhiễm lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đất đai, nguồn nước và chất lượng không khí.
Trước thực trạng trên, TP.HCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, 100% lượng rác phát sinh sẽ được thu gom, trong đó trên 90% được xử lý bằng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tối đa tỷ lệ chôn lấp. Đây là bước đi cần thiết trong tiến trình hướng đến mô hình đô thị sinh thái, phát triển kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, quá trình công tác thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những vấn đề lớn là sự thiếu đồng bộ về cơ chế, chính sách và mô hình quản lý giữa các địa phương sau sáp nhập hành chính.
Trước đó (ngày 17/7), tại cuộc họp về công tác quản lý CTRSH trên địa bàn TP.HCM sau khi sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp do Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Minh Thạnh chủ trì, các xã, phường và doanh nghiệp đã phản ánh nhiều bất cập, nhất là trong việc triển khai các gói thầu thu gom, xử lý rác sau khi thay đổi địa giới hành chính. Việc chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật, chi phí quản lý, và lợi nhuận định mức khiến cho quy trình thẩm định giá dịch vụ bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, việc phân loại rác tại nguồn tuy đã được triển khai thí điểm từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa tạo được thói quen sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Điều này khiến việc xử lý rác theo công nghệ hiện đại gặp khó khăn, kéo dài thời gian chuyển đổi mô hình.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Minh Thạnh chia sẻ những giải pháp đồng bộ mà thành phố đã triển khai đối với công tác quản lý CTRSH.
Theo lãnh đạo UBND thành phố, công tác quản lý CTRSH không chỉ liên quan đến vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, mỹ quan đô thị và chiến lược phát triển bền vững của thành phố trong dài hạn. Thời gian qua, thành phố đã và đang triển khai một số giải pháp đồng bộ và mang tính đột phá:
Tăng cường phân loại rác tại nguồn, hình thành thói quen phân chia rác hữu cơ và rác vô cơ trong mỗi hộ gia đình, khu dân cư. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải nhằm kịp thời xử lý các điểm tồn đọng gây ô nhiễm. Chuyển đổi công nghệ xử lý, từ chôn lấp sang các mô hình tiên tiến như đốt rác phát điện, tái chế rác và ủ compost.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã dân lập nâng cao năng lực, cải thiện trang thiết bị và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong quá trình thu gom. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là trong trường học, khu dân cư, về lợi ích của việc giảm thiểu và phân loại rác thải. Kêu gọi đầu tư xã hội hóa, mở rộng hợp tác công tư trong lĩnh vực xử lý rác thải, nhằm thu hút công nghệ, tài chính và kinh nghiệm quốc tế.
Thành phố đặt mục tiêu sau 2025 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 50%, từng bước tiến tới mô hình quản lý chất thải bền vững, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Bài toán chất thải không chỉ là câu chuyện quản lý hành chính mà là bản lề chuyển đổi tư duy phát triển đô thị, từ “phản ứng” sang “chủ động”, từ “xử lý hậu quả” sang “ngăn ngừa và tối ưu tài nguyên”. Trong tiến trình đó, TP.HCM đang từng bước định hình một hình ảnh mới một đô thị hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường, nơi mà mỗi hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân đều hướng đến sự bền vững, xanh và sạch hơn mỗi ngày./.
Nhật Nông