Cụ thể, xét về tổng số lượng công bố khoa học, Singapore là quốc gia vượt trội trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á (chỉ sau Ấn Độ). Trong giai đoạn 1981-2018, nước này đóng góp hơn 120.000 bài báo được ISI chỉ mục, chỉ sau Ấn Độ (hơn 560.000 bài báo).
Theo sau là các nước có tổng số công bố khoa học lớn trong khu vực bao gồm Malaysia (hơn 91.000 bài), Pakistan (hơn 77.000 bài), Thái Lan (hơn 70.000 bài), Việt Nam (hơn 26.000 bài).
Báo cáo nghiên cứu toàn cầu tại Nam và Đông Nam Á nhận định Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh nhất về công bố khoa học, với lượng công bố đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2009. Và theo như nhận định, Việt Nam vẫn còn có nhiều dư địa để phát triển nhanh hơn và hội nhập sâu hơn với thế giới về khoa học công nghệ trong những năm tiếp theo.
Báo cáo đề cập tới kết quả công bố khoa học của 14 nước tại khu vực Nam và Đông Nam Á, bao gồm Lào, Myanmar, Brunei, Campuchia, Sri Lanka, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Pakistan, Malaysia, Singapore, Ấn Độ và Việt Nam trong giai đoạn 1981-2018.
Theo Báo cáo, năng lực nghiên cứu khoa học của khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng vượt bậc thể hiện qua số lượng công bố tăng đáng kể trong cơ cấu công bố của khoa học thế giới. Cụ thể, trung bình mỗi năm, các nhà khoa học từ khu vực này đã công bố 8% tổng sản lượng công bố khoa học toàn cầu (giai đoạn 1981-1995, con số công bố chỉ dừng lại ở 3%).
Thu Anh