Theo ScienceAlert, các nhà địa chất từ Đại học New South Wales, Úc, đã tiến hành phân tích hóa học các hóa thạch được tìm thấy vào những năm 1980 ở sa mạc Úc. Hóa thạch đã hơn 3,5 tỉ năm tuổi và các nhà khoa học cho rằng chúng có dấu vết hữu cơ.
Trước đây, các nhà khoa học tin rằng các stromatolite (cấu trúc bồi tụ hóa sinh phân tầng hình thành ở khu vực nước nông bởi hiện tượng bẫy, trói buộc và xi măng hạt trầm tích bởi màng sinh học từ vi sinh vật, đặc biệt là vi khuẩn lam) lâu đời nhất có dấu vết hữu cơ là hóa thạch từ Greenland, có tuổi là 3,7 tỉ năm trước. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu hóa học, các nhà khoa học không tìm thấy dấu vết hữu cơ trên đá này.
Nay, các nhà khoa học đã thực hiện một công việc tương tự với hóa thạch từ Úc với các kỹ thuật tiên tiến như kính hiển vi điện tử quét (scanning electron microscopy) và kính hiển vi điện tử truyền qua (scanning transmission electron microscopy); phổ tán sắc năng lượng tia X (energy dispersive X-ray spectroscopy) và quang phổ Raman (Raman spectroscopy); phương pháp quang phổ khối ion thứ cấp nano (nano-scale secondary ion mass spectrometry) và phân tích các đồng vị carbon ổn định (stable carbon isotope analysis).
Các nhà địa chất cho biết họ đã phải sử dụng rất nhiều phương pháp như vậy để tìm kiếm sự hiện diện của các dấu vết hữu cơ trong hóa thạch.
Phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy stromatolite chủ yếu bao gồm một khoáng chất gọi là pyrite, được xuyên thấu bởi các lỗ nano. Pyrite này có các chất hữu cơ chứa nitơ, cũng như các sợi chất hữu cơ, rất giống với tàn dư của màng sinh học được hình thành bởi các quần thể vi sinh vật.
Như vậy, phân tích hóa học các hóa thạch được tìm thấy vào những năm 1980 ở sa mạc Úc cho thấy bằng chứng về sự sống tồn tại trên Trái đất từ 3,5 tỉ năm trước.
Vũ Trung Hương