Theo Cell Reports, các nhà khoa học Úc từ Đại học Melbourne và Đại học Monash đã điều tra sự tương tác của vi rút dại với cơ thể. Họ tin rằng kết quả sẽ tạo ra một loại vắc xin bệnh dại mới, hiệu quả hơn.
Các tác giả của công trình nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra một loại protein đặc biệt do vi rút dại tạo ra, liên kết với protein tế bào có tên là Stat1, ngăn chặn cơ chế chính của phản ứng miễn dịch. Khám phá này cho phép các nhà khoa học tạo ra một phiên bản sửa đổi của vi rút dễ bị tổn thương với đòn tấn công của hệ miễn dịch. Nó có thể được sử dụng để tạo ra một loại vắc xin sống mới, an toàn và hiệu quả hơn. Một tác giả chính của công trình, Greg Moseley thuộc Viện nghiên cứu y sinh của Đại học Monash cho biết, loại vi rút biến đổi vẫn có thể nhân lên, nhưng không còn khả năng ngăn chặn các cơ chế miễn dịch chống vi rút mạnh. Nó bị suy yếu và gây ra phản ứng miễn dịch rất mạnh. Khi được sử dụng trong vắc xin, sẽ bảo vệ chống lại nhiễm vi rút gây chết người.
Các nhà khoa học có kế hoạch kiểm tra chủng vi rút này trong vắc xin, mà theo họ, có thể dùng cho chó không phải bằng cách tiêm, mà bằng đường uống với thức ăn. Nếu kế hoạch được thực hiện thành công, việc kiểm soát sự lây lan bệnh dại giữa các quần thể chó hoang sẽ dễ dàng hơn nhiều bằng cách phân tán mồi trộn lẫn với vắc xin.
Gần 60.000 người chết vì nhiễm vi rút dại mỗi năm.Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), có tới 99% trường hợp lây truyền vi rút dại sang người là từ chó. Do đó, năm ngoái, WHO đã công bố chương trình diệt trừ bệnh dại cho chó vào năm 2030. Nhưng ở nhiều quốc gia, cuộc chiến chống lại căn bệnh này rất khó khăn do thiếu kinh phí và tổ chức kém. Mặc dù vắc xin tiêm hiệu quả cao hiện có giúp chó miễn dịch khỏi bệnh dại, nhưng các chiến dịch tiêm phòng cho chó hàng loạt ở nhiều nước ở châu Phi và châu Á vẫn không được thực hiện do thiếu nguồn lực.
Vũ Trung Hương