Theo American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine, giảm cân giúp thoát khỏi chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (obstructive sleep apnea - OSA). Nhưng cho đến gần đây, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác những gì gây ra một mối liên hệ như vậy.
Các nhà nghiên cứu tại Trường y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) phát hiện ra rằng có thể loại bỏ các triệu chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách giảm lượng chất béo trong bộ phận không ngờ của cơ thể - lưỡi.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có những nét đặc trưng như ngừng hô hấp thường xuyên kèm theo ngáy to. Đồng thời, các quá trình cung cấp oxy cho cơ thể và thải trừ carbon dioxide bị gián đoạn. Hậu quả là não bắt đầu thức tỉnh ngắn vài lần trong đêm để bình thường hóa quá trình hô hấp. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ và trạng thái của một người trong lúc thức giấc.
Yếu tố nguy cơ chính gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là béo phì, nhưng cũng có những lý do khác ví dụ như amidan mở rộng hoặc hàm bị ngắn lại. Khoảng 75% số người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể nhờ sự trợ giúp của máy áp lực dương liên tục CPAP (Continuous Positive Airway Pressure ) để thông khí nhân tạo. Nhưng 25% bệnh nhân còn lại không dung nạp cá nhân đối với trị liệu CPAP, vì thế, các nhà khoa học phải tìm kiếm các lựa chọn điều trị thay thế.
Một nhóm khoa học do chuyên gia về giấc ngủ Richard J.Schwab dẫn dắt, vào năm 2014 đã phát hiện ra rằng sự hiện diện của chứng ngưng thở khi ngủ ở những người béo phì có tương quan với kích thước lớn của lưỡi và lượng chất béo tăng lên ở lưỡi (tongue fat). Trong nghiên cứu mới do Schwab hướng dẫn có sự tham gia của 67 người béo phì mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Nhờ áp dụng chế độ ăn kiêng hoặc phẫu thuật giảm cân, trung bình các bệnh nhân đã giảm gần 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng và chỉ số nghiêm trọng chung của chứng ngưng thở khi ngủ được cải thiện ở mức 31%.
Trước và sau các biện pháp giảm cân, tất cả các đối tượng đều được các nhà nghiên cứu quét MRI cả đường hô hấp trên và khoang bụng. Nhân tố chính kết nối sự giảm cân và giảm các triệu chứng ngưng thở chính là giảm lượng chất béo ở lưỡi (tongue fat).
Nhà nghiên cứu Richard J.Schwab nhận xét rằng hầu hết các bác sĩ và thậm chí các chuyên gia về chứng ngưng thở thường không chú ý đến chất béo trong lưỡi để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ. Bây giờ, các nhà khoa học biết chất béo trong lưỡi là một yếu tố rủi ro và đã xác định được một mục tiêu trị liệu độc đáo chưa từng có trước đây.
Vũ Trung Hương