Việc tạo ra lợn lai khỉ là một phần nỗ lực trong việc phát triển các cơ quan nội tạng cấy ghép của con người trên động vật. Cụ thể, các nhà khoa học trong tương lai định cho sinh sản loài lợn có các bộ phận nội tạng mang theo gen người để cấy ghép cho các bệnh nhân.
Nhóm nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Tế bào gốc và Sinh học Sinh sản ở Bắc Kinh đã tiêm tế bào khỉ biến đổi gene vào hơn 4.000 phôi lợn rồi cấy chúng vào lợn nái. Kết quả có 10 con lợn con đã được sinh ra, nhưng chỉ có hai trong số đó là lợn lai khỉ và chúng mang trong mình một phần các tế bào tim, gan, phổi, tụy, da của khỉ.
Hai con lợn lai khỉ này chỉ có một phần nhỏ gen của khỉ, nhưng các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng trong tương lai học có thể tăng số lượng gen này đến mức toàn bộ nội tạng của con lợn lai sẽ có gen khỉ 100%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết hai chú lợn con được sinh ra từ mô tim, gan và da của khỉ đã chết sau một tuần chào đời.
Lý do chúng chết sớm được cho là lỗi trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, chứ không phải do hiện tượng loạn gen vì quá trình thụ tinh trong ống nghiệm đối với lợn có tỷ lệ đạt thấp hơn các động vật khác.
Đây không phải là lần đầu tiên động vật lai được tạo ra. Năm 2010, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford ở California, đã tạo ra những con chuột có tuyến tụy của một giống chuột khác.
Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Viện Salk ở California đã tạo ra các phôi lợn lai người với khoảng một trong 100.000 tế bào là của con người. Phôi này đã bị phá hủy trong vòng một tháng sau khi được tạo ra vì vấn đề đạo đức.
Dù việc tạo ra nội tạng người từ động vật để cấy ghép cho người bệnh là một tiến bộ y khoa lớn, nhưng các nghiên cứu này hiện đang bị chỉ trích mạnh vì vấn đề đạo đức.
Thiên Hà (theo Independent)