Theo Science Advances, sự phát triển của bệnh và tình trạng của cơ thể người bệnh thường được xác định qua hàm lượng các chỉ dấu sinh học trong máu. Tuy nhiên, xét nghiệm máu rất phức tạp do cần phải xuyên qua da và sự hiện diện của nhiều thành phần gây nhiễu, vì vậy, các nhà khoa học đang tích cực phát triển các phương pháp để phân tích không xâm lấn các chất lỏng sinh học như nước bọt hoặc mồ hôi.
Các thiết bị cảm biến để phân tích mồ hôi có thể xác định các thành phần mồ hôi bằng cách thay đổi màu sắc (cảm biến đo màu), sử dụng các quá trình điện hóa, cũng như các phương pháp huỳnh quang. Thông thường, các cảm biến điện hóa được phát triển nhờ độ nhạy cao, tính chọn lọc, phản ứng nhanh và khả năng tương thích tốt với vật liệu.
Nhà nghiên cứu Wenya He và các đồng nghiệp tại Đại học Thanh Hoa (Tsinghua), Trung Quốc, đã tạo ra và thử nghiệm trên các tình nguyện viên một bộ cảm biến như miếng dán bao gồm 6 cảm biến điện hóa dựa trên lụa tơ tằm với việc bổ sung các hạt nano graphite pha lẫn các nguyên tử nitơ để xác định đồng thời các chất chuyển hóa trong mồ hôi.
Thử nghiệm trên các tình nguyện viên, các nhà khoa học đã có thể xác định nồng độ của 6 chỉ dấu sinh học: nồng độ glucose, lactate, axit ascobic và axit uric, ion kali và natri trong mồ hôi; đồng thời, một lợi thế của bộ cảm biến lụa tơ tằm là vẫn bảo đảm độ nhạy sau vài lần uốn cong và bảo quản được trên 1 tháng. Các nhà khoa học cho rằng đây là một bước tiến đầy hứa hẹn cho việc chế tạo các thiết bị phân tích mồ hôi đa năng, có thể đeo được trên người.
Vũ Trung Hương