Theo Quyết định số 100/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN) chủ trì đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thông truy xuất nguồn gốc” và Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia được giao phụ trách xây dựng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia tại Việt Nam.
Bên cạnh nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, Quyết định 100 nhấn mạnh tới việc nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc.
Cụ thể, triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH-CN để phát triển các giải pháp, công nghệ (Blockchain, IoT, AI, Big Data và các công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới) ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ, giải pháp ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc…
Nhằm tăng cường phát triển mã số mã vạch ở các doanh nghiệp, trong năm qua Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia đã thúc đẩy truyền thông về mã số mã vạch qua nhiều kênh thông tin nhằm tăng lượng doanh nghiệp quan tâm và áp dụng mã số mã vạch. Ngoài ra, hệ thống tổng đài hỗ trợ khách hàng gồm 3 line hỗ trợ liên tục và 1 số điện thoại di động hỗ trợ trả lời thắc mắc qua tin nhắn, đã làm tăng lượng hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, Trung tâm cũng cải tiến, nâng cấp phần mềm Scan&check nhằm trích xuất dữ liệu mã số mã vạch nhanh hơn; đồng thời thiết lập hệ thống biên lai điện tử đã giúp giảm thiểu thủ tục hành chính thu, nộp phí sử dụng mã số mã vạch… đã giúp tăng lượng thành viên đăng ký sử dụng mã số mã vạch lên 6.411 doanh nghiệp trong năm 2019, tăng gần 1.000 doanh nghiệp so với thời điểm cùng kỳ năm 2018.
Thu Anh