Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, Chương trình hành động của Bộ KH-CN còn chú trọng vào nhiệm vụ “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng KH-CN hiện đại”.
Cụ thể, Bộ KH-CN nhấn mạnh tới việc phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đinh hướng phát triển, mở rộng mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm bảo đảm lấy doanh nghiệp làm trung tâm của phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu công nghệ, khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao.
Hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường…
Tăng cường xã hội hóa đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp; phát huy Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp để hỗ trợ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Tập trung phát triển công nghệ mới
Trong nhiệm vụ này, theo Bộ KH-CN, cần nâng cao tiềm lực KH-CN, tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, nhất là công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0. Xây dựng Chiến lược trí tuệ nhân tạo của quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi, có cơ sở chính sách đột phá để thu hút các dự án công nghệ cao. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”.
Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH-CN phục vụ công khai, minh bạch thông tin về hoạt động KH-CN… Bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế...
Tập trung ứng dụng KH-CN phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm lực, giá trị gia tăng cao; các ngành chế biến, chế tạo; các ngành công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả với quy mô phù hợp theo từng ngành, sản phẩm và thị trường…
Thu Anh