Thay vì phải cần 2-3 người trồng, chăm sóc nấm linh chi, giờ đây nhờ áp dụng tiến bộ công nghệ, người nông dân ở An Giang chỉ cần mở điện thoại ra đã có thể một mình đảm đương hết công việc.
Nấm linh chi là một loại thảo dược chứa nhiều hoạt chất quý hiếm giúp bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh nên rất được giới y học đánh giá cao.
Mặc dù đa dạng về loại nhưng trong tất cả các loại nấm linh chi thì linh chi đỏ (còn gọi là Xích chi, Hồng chi hay Đơn chi) được xem là sử dụng trị liệu tốt nhất và được ưa chuộng nhiều nhất…
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, mỗi tháng cơ sở sản xuất nấm linh chi của anh Nguyễn Hùng Sinh (ngụ xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) sản xuất khoảng 50kg, mang về cho anh nguồn thu nhập ổn định trên dưới 10 triệu đồng.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình, anh Sinh cho biết, năm 2009, xuất phát từ niềm đam mê trồng nấm, anh đã tìm tòi nghiên cứu các cách thức trồng nấm như thế nào để đạt hiệu quả. Lúc đầu, anh chỉ trồng theo cách làm truyền thống và nấm không khỏe, không tốt và sản lượng không cao.
Đến năm 2016, anh bắt đầu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ An Giang. “Sở hỗ trợ chuyển giao cho mình một quy trình là ứng dụng công nghệ điện thoại để điều khiển độ ẩm và nhiệt độ thông qua kết nối với mạng internet, từ khi có công nghệ này thì nâng suất trại nấm tăng 30%”.
Cũng theo anh Sinh, trong quá trình trồng nấm thứ quyết định chính đến chất lượng sản phẩm là nhiệt độ và độ ẩm. Nhiệt độ phải ở mức từ 28 – 30 độ, độ ẩm khoảng 80 – 85 %.
Nếu trồng theo cách thủ công thì đòi hỏi cần phải có ít nhất hai người để thường xuyên thăm và điều chỉnh máy móc cho nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Tuy nhiên, từ khi ứng dụng quy trình điều khiển từ xa thông qua điện thoại, công lao động được giảm xuống, một mình anh Sinh vừa vận hành, vừa kiểm soát, vừa trồng nấm.
“Ưu điểm của công nghệ này là không giới hạn địa lý, dù bất cứ ở đâu mình cũng có thể điều khiển trại nấm mình làm sao tối ưu nhiệt độ và ẩm độ để nấm phát triển đồng đều và có chất lượng tốt nhất. Chỉ cần cầm điện thoại lên và mở ứng dụng ra là có thể kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, cho máy vận hành thông qua chương trình được cài đặt sẵn”.
Ngoài ra, anh Sinh cho biết thêm, “Hệ thống lập trình vừa cho kết nối mạng vừa cho kết nối tin nhắn nên khi đến những nơi không có mạng internet vẫn có thể điều khiển bằng tin nhắn điện thoại”.
Sau 10 năm trồng nấm linh chi, tính đến nay trại nấm của anh Sinh đã có diện tích 400m2. Các nhà trồng nấm được anh che chắn bằng lưới cẩn thận để tránh các loại côn trùng gây hại.
Sau khi mua phôi về gây trồng, khoảng 2 tháng rưỡi là có thể thu hoạch nấm linh chi.
Ngoài việc đóng gói nguyên tai nấm bán ra thị trường phục vụ cho sức khỏe người tiêu dùng anh còn làm thêm nấm linh chi kiểng để trưng bày trong gia đình. Bên cạnh nó, anh cũng chiết xuất linh chi để làm mỹ phẩm làm đẹp cho các chị em phụ nữ.
An Giang, nấm linh chi, nông nghiệp công nghệ cao