Để so sánh, các máy tương tự trên thế giới chỉ chụp cho các bệnh nhân có trọng lượng trung bình 120-150 kg. Đồng thời, máy chụp cộng hưởng từ của Nga còn rẻ hơn nhiều so với các thiết bị nước ngoài cả về giá thành chế tạo lẫn chi phí vận hành cùng một loạt thế mạnh khác.
MRI là một trong những phương pháp chẩn đoán hiệu quả nhất hiện nay cho các bệnh ung thư, bệnh đa xơ cứng, các bệnh về hệ cơ xương và khớp ở giai đoạn đầu. Ông Yevgenij Gorelikov, giám đốc dự án, cho biết, các nhà khoa học Nga đã tạo ra một công nghệ tiên tiến để sản xuất nam châm vĩnh cửu với chi phí thấp từ hợp kim đất hiếm trong nước, kể cả các hợp chất thu hồi qua xử lý phế liệu. Điều này cho phép thiết kế và giảm trọng lượng của nam châm vĩnh cửu được gần 30%.
Điều đó có nghĩa là giảm cả trọng lượng và giá thành của thiết bị. Khối lượng của hệ thống được phát triển bởi các nhà khoa học Nga thấp hơn gần 1,5 tấn so với các mẫu tương tự nước ngoài. Đồng thời, công suất hoạt động là như nhau và khoang bệnh nhân thậm chí còn lớn hơn. Điều đó có nghĩa là, thiết bị đã tăng không gian nghiên cứu, giúp chẩn đoán được cho bệnh nhân nặng tới 250 kg. Và hơn thế nữa, còn giảm chi phí vận hành của thiết bị gần 1,5 triệu rúp mỗi năm.
Thiết kế mới của hệ thống từ tính của MRI có thể kiểm tra thêm 15% thể tích cơ thể bệnh nhân. Điều này cho phép tăng hơn 12% diện tích hình ảnh truyền đi, đồng thời, cũng giảm thời lượng của quá trình chụp cắt lớp.
Đấy là chưa kể đến một lợi thế nữa là để vận hành máy MRI mới, không cần thiết bị đông lạnh, cũng không cần nitơ lỏng, helium lỏng và nước để làm mát như nhiều thiết bị MRI hiện tại đòi hỏi. Mức tiêu thụ điện của máy chụp cắt lớp độc đáo của Nga là dưới 1 kW, có thể được cung cấp năng lượng ngay cả từ các tấm pin mặt trời và máy phát điện gió.
Một thiết bị nguyên mẫu đã được lắp ráp tại nhà máy ở Vladimir và có thể được đưa vào sản xuất hàng loạt trong 2-3 năm tới.
Vũ Trung Hương