Nhiều nơi nắng nóng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm, nhiều tháng liền trời không mưa hoặc mưa không đáng kể.
Các chuyên gia khí tượng vừa nhận định, sau khi kết thúc đợt không khí lạnh hiện nay, khu vực Bắc Trung bộ có thể xuất hiện một đợt nắng nóng gay gắt, được coi là đến khá sớm trong mùa nắng nóng năm nay. Trọng tâm nắng nóng là khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, vừa qua, nắng nóng cũng đã xuất hiện sớm ở khu vực Tây Bắc bộ (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La) và Trung bộ.
Trong 1-2 tuần tới, nắng nóng sẽ tái xuất hiện ở Tây Bắc bộ, vùng núi phía Tây của Bắc Trung bộ; sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của Bắc bộ, khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, kéo dài trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.
Tại phía Nam, hiện nay, theo thống kê, một số nơi ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ đang khô hạn. Từ tháng 1 đến nay, nhiều nơi ở Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên không có mưa hoặc lượng mưa không đáng kể. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, từ nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, nắng nóng ở miền Đông Nam bộ sẽ mở rộng dần sang miền Tây. Theo đó, tháng 4, tình trạng nắng nóng còn gay gắt hơn.
Đồng thời, cơ quan khí tượng cảnh báo, tình trạng khô hạn ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ còn tiếp diễn trong tháng 4 (thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng ở miền Tây). Đến hết tháng 5, miền Nam mới bước vào mùa mưa (các năm trước thường là đầu hoặc giữa tháng 5). Ở Trung bộ có khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài suốt từ tháng 4 đến 6-2024.
“Mùa mưa ở Bắc bộ năm nay có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật khí hậu. Mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam bộ xuất hiện muộn. Từ tháng 6 gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình”, cơ quan khí tượng nhận định.
Dự báo tháng 4, 5 và 6 tới, trên phạm vi cả nước sẽ có nắng nóng hơn trung bình nhiều năm, nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, trong khi nguồn nước thiếu hụt, lượng mưa giảm. Do đó, người dân ở miền Bắc cần sử dụng điện tiết kiệm để giảm sức ép cho phụ tải điện. Còn người dân ở miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên cần chủ động tiết kiệm nước sinh hoạt, dự trữ nước tưới, ứng phó sớm với nguy cơ hạn mặn, bảo vệ hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp… vượt qua thời kỳ nắng nóng cao điểm để chờ sang đến mùa mưa (bắt đầu từ tháng 6).
Nguồn Báo Ấp Bắc
Link bài gốchttp://baoapbac.vn/xa-hoi/202403/nang-nong-den-som-mua-mua-den-muon-1005888/