Theo dữ liệu được đưa ra trong năm nay bởi nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu, hiện có hơn 500 triệu người sống trên các vùng đất không phù hợp để trồng cây. Đây là hậu quả của nạn phá rừng, thay đổi điều kiện thời tiết và sử dụng đất nông nghiệp quá mức. Chúng ta có thể làm chậm quá trình này nếu bắt đầu trồng một số loài cây, ví dụ, ở thành thị và các khu vực đất không được sử dụng đúng mức.
Các hệ thống nông nghiệp đô thị thường yêu cầu không gian phát triển lớn hoặc các tòa nhà cao tầng - trang trại thẳng đứng. Để bù đắp cho việc thiếu không gian trồng trọt, các trang trại đô thị có thể hoạt động quanh năm với hệ thống kiểm soát khí hậu. Đó là lý do tại sao cần sử dụng các loài cây có thể nhanh chóng phát triển và thu hoạch. Nhiều cây trồng mỗi năm dẫn đến cung cấp nhiều thực phẩm hơn, ngay cả khi cây được trồng trong một khu vực nhỏ.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã lai tạo được giống cà chua bằng cách thay đổi chức năng của hai gien (SP5G và SP) điều khiển quá trình chuyển sang thời kỳ sinh sản của cây. Kích hoạt chúng làm cho cây ngừng phát triển trước thời hạn và ra hoa đậu quả sớm hơn - cà chua sẵn sàng để chín trong 40 ngày.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy và kích hoạt một gien khác - SIER. Việc sửa đổi bằng công cụ chỉnh sửa gien CRISPR và kết hợp với các đột biến ở hai gien khác đã giúp tạo ra giống cà chua thân ngắn hơn và giảm kích thước của cây bụi.
Ngoài ra, giống cà chua trên có thể được các phi hành gia trồng trong các nhiệm vụ dài ngày trên vũ trụ. Zachary Lippman, một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor tiết lộ rằng các chuyên gia NASA đã bày tỏ sự quan tâm đến giống cà chua này.
Sắp tới, các nhà khoa học có kế hoạch thử áp dụng phương pháp tương tự với cây kiwi.
Vũ Trung Hương