Theo đó, các Sở TT-TT tỉnh, thành phố được đề nghị đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh giao tiếp trên Internet và mạng xã hội tại Việt Nam. Sử dụng tối đa các phương tiện, hình thức hội họp trực tuyến, trao đổi qua email, tin nhắn, gọi điện thoại.
Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, để hạn chế tối đa việc tập trung đông người, góp phần phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus gây ra, đề nghị Sở TT-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện các vấn đề trên.
Cùng với đó, đại diện Cục Tin học hóa nhận định giai đoạn phòng chống dịch do chủng mới của coronavirus gây ra là cơ hội để đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các dịch vụ online.
Tại Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử diễn ra sáng 12.2 tại Hà Nội, theo Bộ TT-TT, kết nối, chia sẻ dữ liệu được quan tâm với tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cả nước đang quyết liệt chung tay chống dịch coronavirus; nếu chúng ta làm Chính phủ điện tử tốt cũng là góp phần phòng, chống coronavirus vì có nhiều người sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thu Anh