Sau khi được thực tế tham quan tìm hiểu, đúc kết kinh nghiệm từ chuyến đi thực tế mô hình trồng cây bằng đất, thủy canh, khí canh tại Khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi, một nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đã nghĩ ra ý tưởng trồng cây xanh trong hầm xe của trường để môi trường ở đây trở nên thông thoáng, giúp bạn bè, thầy cô thoát khỏi nỗi ám ảnh mỗi khi gửi và lấy xe ở trường.
Kết quả là đề tài “Cải tạo chất lượng không khí ở hầm xe” bằng giàn cây khí canh trụ đứng đã được các em học sinh thực hiện ngay chính trong khuôn viên trường mình. Bốn loại cây được trồng là bạc hà, húng lủi, hương thảo và xà lách xoong vì dễ trồng, nhanh thu hoạch và lại có mùi thơm dễ chịu.
Theo học sinh Bùi Thanh Trâm, hầm để xe có mật độ cao các loại khí như chì (Pb), cacbon oxit (CO), hydrocacbon (HC), sunfua dioxit (SO2), cacbon dioxit (CO2)…, trong đó hàm lượng khí CO2 chiếm tỉ lệ cao nhất và là nguyên nhân khiến một số người cảm thấy khó thở, thậm chí "ngất xỉu". Chưa hết, các hầm để xe trong thành phố còn chủ yếu là không gian kín, nằm sâu dưới lòng đất nên rất nóng và ngột ngạt.
Vì vậy, theo các nhóm học sinh THPT Lê Quý Đôn thì cách tốt nhất là tạo mảng xanh trong hầm để xe để cải tạo chất lượng không khí tại đây. Cụ thể, nhóm học sinh này đã lắp đặt 6 giàn cây, mỗi giàn 20 trụ trồng trên ống nhựa PVC có đường kính 9cm, mỗi trụ có 42 lỗ để trồng cây bằng phương pháp khí canh.
Quá trình cung cấp chất dinh dưỡng, nước cho cây hoàn toàn được tự động hóa nhờ các bộ điều khiển, như các hệ thống trồng khí canh thông thường khác.
"Mỗi lần bơm, nước và chất dinh dưỡng sẽ được lọc sạch thông qua bộ lọc trước khi được bơm lên đầu trụ. Nhờ vậy mà hệ thống khí canh giúp giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm", em Trâm chia sẻ.
“So với các phương pháp canh tác khác, khí canh giúp tiết kiệm 95% phân bón, giảm tiêu thụ nước 98%, không cần thuốc bảo vệ thực vật, chiếm ít không gian canh tác, có thể tăng mùa vụ quanh năm và cho năng suất cây trồng tăng lên 45% - 75%”, học sinh Đỗ Ngọc Đằng Giao chia sẻ thêm lý do nhóm học sinh chọn phương pháp khí canh để trồng cây trong hầm giữ xe của trường mình.
Vì trong không gian hầm để xe ít ánh sáng nên nhóm sử dụng đèn led có cường độ ánh sáng và quang phổ màu thích hợp để thay thế cho ánh sáng mặt trời, giúp cây xanh quang hợp.
Theo nhóm học sinh, ban đầu kết quả của đề tài này khá khả quan. Cụ thể khi chưa có giàn cây, nồng độ khí CO2 lúc nhiều xe đạt ngưỡng 2.422 nhưng sau khi có dàn cây khí canh, nồng độ này giảm chỉ còn 400 (ppm) mà thôi.
Ái Vi