Trong nhiều thiết kế, ý tưởng trợ giúp ngành y tế toàn cầu đối mặt với dịch COVID-19, nhiều nhóm kỹ sư đang cố gắng chế tạo các mẫu máy thở giá rẻ.
Có thể in bằng máy in 3D và ai cũng có thể tiếp cận các bản thiết kế này.
E-Vent thiết bị biến Bóp bóng ambu thành máy thở
Cựu sinh viên MIT Stephen Powelson đã cho ra mắt thiết kế một máy thở khẩn cấp nguồn mở có tên là E-Vent. Hệ thống này dựa trên việc tự động hóa các thiết bị hồi sức thủ công được gọi là Bóp bóng ambu (Ambu-Bag) thường được đặt gần giường bệnh để đối phó với các trường hợp khẩn cấp.
E-Vent bao gồm hai cánh tay acrylic điều khiển động cơ được gắn vào bảng vi điều khiển Arduino Uno gần đồng bộ để nén Ambu-Bag thay cho việc phải có nhân viên y tế thực hiện thao tác bóp bóng bằng tay.
Dự án này đã được đăng trên trang web của MIT và gồm các ghi chú mở rộng liên quan đến cách chế tạo một hệ thống như vậy. Các thành viên trong nhóm cũng liệt kê nhiều yêu cầu lâm sàng cho việc lắp ráp và sử dụng một thiết bị như vậy trong các tình huống tại bệnh viện.
Những yêu cầu như vậy bao gồm việc phải có thêm màng lọc khí HEPA cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19 ra môi trường xung quanh bệnh nhân. Bác sĩ cũng phải có khả năng ngừng hệ thống để thao tác bóp Ambu-Bag bằng tay và hệ thống phải phát ra âm thanh báo động nếu nó ngừng hoạt động để bác sĩ có thể can thiệp kịp thời.
VentilAid máy thở in 3D, mã nguồn mở
Nhóm kỹ sư Ubricum từ Ba Lan đã thiết kế một máy thở mã nguồn mở có thể được chế tạo bằng máy in 3D cùng với các bộ phận khác có thể mua dễ dàng tại địa phương.
Hiện, hệ thống VentilAid là một nguyên mẫu hoạt động được tạo thành từ các thành phần có thể được in 3D trong khoảng 15 giờ. Các thành phần khác gồm bộ truyền động khí nén với hành trình 10-20 cm, công tắc giới hạn khí nén hoặc công tắc giới hạn điện với van kiểm tra và nguồn điện 12 VDC có thể dễ dàng mua được ở khắp nơi.
Tuy nhiên, máy thở VentilAid chưa được thử nghiệm trong môi trường lâm sàng, nhưng có thể cung cấp khí nén một cách đáng tin cậy. Phiên bản thế hệ thứ hai đang được phát triển mà không cần khí nén hoặc bộ truyền động khí nén.
Theo nhóm Ubricum, thiết bị của họ được chế tạo như là một món "vũ khí cuối cùng" để chống lại đại dịch COVID-19, khi các hệ thống y tế hoàn toàn sụp đổ vì dịch bệnh này do thiếu thiết bị chuyên nghiệp.
Dù vậy, máy thở là thiết bị y tế phức tạp được sản xuất trong môi trường vô trùng và xem xét một số yêu cầu được phê duyệt bởi các cơ quan quản lý y tế nên các phát minh máy thở giá rẻ này có được sử dụng hay không còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tiến triển.
Thiên Hà (theo 3d Print)