Theo Science, các nhà khoa học từ Đại học Kitasato Shibasaburo ở Kanagawa và Đại học Nagasaki đã phát hiện ra vai trò bất ngờ mà tetrodotoxin - chất độc cá nóc - đóng vai trò trong cuộc sống của loài cá này. Họ kết luận rằng chất độc giúp những con cá này giảm stress.
Đối tượng nghiên cứu là cá nóc nâu, còn được gọi là Takifugu rubripes, được tìm thấy ở một số vùng biển trong đó có biển Nhật Bản. Cá nóc nâu được coi là một loài cá thương mại quan trọng ở Nhật Bản, mặc dù sản lượng đánh bắt hàng năm giảm đáng kể nhưng loài cá này cũng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản.
Giống như các đại diện khác, cá nóc được dùng để chế biến các món ăn, mặc dù gan, túi mật và da của chúng có độc tính chết người do nồng độ đáng kể của tetrodotoxin, phần còn lại của cá chỉ có thể được ăn sau khi xử lý đặc biệt. Cá nóc nâu cũng đóng vai trò là một sinh vật mẫu trong nghiên cứu sinh học vì bộ gien ngắn đáng ngạc nhiên của chúng trong số các loài động vật có xương sống (392.376.244 cặp cơ sở - base pairs).
Cơ thể cá không tự sản xuất tetrodotoxin, nhưng tích lũy nó nhờ các vi khuẩn đặc biệt đi kèm với thức ăn. Cá nóc nâu được nuôi trong các trang trại cá mất độc tính do chế độ ăn khác so với đòng loại sống trong tự nhiên.
Một nghiên cứu năm 2008 được thực hiện trên cùng loài cá này cho thấy cá con có nhiều quyết định rủi ro hơn, có khả năng gây tử vong cho chúng khi không có tetrodotoxin trong cơ thể. Để tìm hiểu làm thế nào chất độc ảnh hưởng đến sự phát triển của cá, các tác giả của công trình nghiên cứu này đã thêm một liều tetrodotoxin vào thức ăn của cá nóc nâu non trong 1 tháng.
Kết quả, cá có độc tố phát triển dài hơn 6% và nặng hơn 24% so với những con thiếu độc tố. Cá có độc tố cũng tỏ ra ít hung dữ hơn và ít cắn vây nhau hơn. Vì stress ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sự gây hấn, các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ của 2 hormone liên quan đến stress trong cá: cortisol trong máu và corticoliberin trong não. Hóa ra, nồng độ của các hormone này trong cá nóc không độc tố cao hơn trung bình 4 lần so với những con cá có chất độc.
Dữ liệu thu được cho thấy cá nóc cần tetrodotoxin không chỉ để bảo vệ chống lại kẻ săn mồi mà còn cho sự phát triển khỏe mạnh của cá bột. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ độc tố tetrodotoxin quyết định nồng độ các hormone stress như thế nào.
Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Toxicon.
Vũ Trung Hương