(HNMO) - Ngày 19-3, toàn thế giới đã ghi nhận 218.544 ca nhiễm Covid-19 tại 173 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 8.938 trường hợp tử vong.
Châu Âu
Trong ngày 18-3, Italia - tâm dịch Covid-19 tại châu Âu đã ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục là 4.027 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 35.713 trường hợp. Theo số liệu của Cơ quan bảo vệ dân sự Italia, trong ngày này, Italia đã có 475 bệnh nhân tử vong vì Covid-19, tập trung chủ yếu tại vùng Lombardy. Đây là con số kỷ lục tại nước này và trên toàn thế giới, vượt qua số ca tử vong trong 1 ngày tại thành phố Vũ Hán - tâm dịch của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Viện Y học cấp cao Italia cho rằng các diễn biến này vẫn đang đi đúng theo dự liệu của chính phủ và nước này đang theo dõi kỹ các tác động của việc thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Các quan chức y tế Italia cũng cho biết 99% số ca tử vong do Covid-19 tại nước này có bệnh nền như huyết áp cao, tiểu đường, các bệnh về tim mạch…
Quân đội Italia đang gấp rút hoàn thiện thêm 3 bệnh viện dã chiến để tăng cường hỗ trợ cho các bệnh viện địa phương. Nước này cũng sẽ đưa 10.000 sinh viên y khoa vào hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch.
Tại Anh, trong ngày 18-3, nước này đã ghi nhận thêm 676 ca nhiễm mới và 33 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong ở nước này cao hơn đa số các nước châu Âu khác. Sau nhiều lần trì hoãn, Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định đóng cửa toàn bộ các trường học tại Anh kể từ ngày 20-3 nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã lần đầu tiên phát đi thông điệp toàn quốc trực tiếp, trong đó mô tả cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất đối với nước này kể từ Chiến tranh Thế giới II. Nữ chính trị gia này cũng nhấn mạnh rằng tình hình hiện tại là rất nghiêm trọng và kêu gọi người dân cùng nghiêm túc thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh. Gần 3.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận tại Đức trong ngày 18-3, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 12.327 trường hợp.
Tối 18-3, nhà Vua Tây Ban Nha Felipe VI đã có bài diễn văn gửi đến toàn thể người dân nước này, kêu gọi đoàn kết và vững tin, đồng thời đề nghị mọi đảng phái gạt bỏ bất đồng để cùng chiến đấu ngăn đại dịch. Tây Ban Nha đã có trên 14.500 ca nhiễm bệnh và 630 người tử vong vì Covid-19.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thừa nhận rằng giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2. Quan chức này cho biết các quốc gia thành viên sẽ tự quyết những lệnh giới nghiêm và các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ phối hợp rất chặt chẽ với nhau để chống dịch bệnh.
Châu Á
Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tại Iran khi ghi nhận thêm 147 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp tử vong do Covid-19 tại nước này lên 1.135 trường hợp. Dù chưa ban bố lệnh hạn chế đi lại song giới chức quốc gia Cộng hòa Hồi giáo đã kêu gọi người dân ở nhà trong kỳ nghỉ năm mới dự kiến bắt đầu từ ngày 20-3 đến đầu tháng 4.
Malaysia đã ghi nhận thêm 117 ca nhiễm vi rút, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 790 người. Bộ Y tế Malaysia cho biết, 80 ca nhiễm mới có liên quan tới buổi tụ tập của 16.000 người tại một đền thờ Hồi giáo gần thủ đô Kuala Lumpur.
Tối 18-3, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19 trong trường hợp dịch bước sang giai đoạn lây nhiễm trên diện rộng, không kiểm soát được, và đã tính tới phương án phong tỏa đất nước.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Nhà Trắng với đề xuất chi 1.000 tỷ USD cho gói trợ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trong đó có các khoản hỗ trợ cho hộ gia đình và hỗ trợ các doanh nghiệp, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh như hàng không, kinh doanh khách sạn, nhà hàng… Mỹ hiện đã ghi nhận 9.225 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 150 ca tử vong.
Thông báo trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này và Canada sẽ tạm ngừng các hoạt động đi lại không cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, thương mại song phương sẽ không bị ảnh hưởng và chi tiết của thỏa thuận này sẽ được công bố sau.
Ngày 18-3, Bộ Y tế Cuba đã xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong do Covid-19, là 1 trong 3 khách du lịch người Italia từng tới thủ đô La Habana của Cuba hôm 9-3. Nước này cũng đã xác nhận thêm 3 trường hợp nhiễm bệnh mới, trong đó có 1 người Cuba và 1 người tới từ Mỹ, nâng tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận lên 10 trường hợp.
Châu Đại Dương
Ngày 18-3, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp an ninh sinh học con người, giúp chính phủ có thêm quyền hạn cần thiết trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan như đóng cửa nhiều thành phố và khu vực, áp đặt lệnh giới nghiêm, yêu cầu người dân tự cách ly…
Với việc nâng cấp độ cảnh báo chính thức lên mức 4 nghĩa là “không di chuyển” tới bất kỳ nước nào trên thế giới, người đứng đầu chính phủ Australia khuyến cáo công dân nước này hủy bỏ tất cả các chuyến đi ra nước ngoài do tình trạng bùng phát đại dịch Covid-19 mà ông dự đoán có thể kéo dài tới 6 tháng. Nước này cũng đã cấm các cuộc tụ tập trong nhà không cần thiết từ 100 người trở lên. Cho đến nay, Australia đã ghi nhận gần 500 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 6 ca tử vong.
Ngày 18-3, truyền thông New Zealand cho biết, cơ quan chức năng của nước này sẽ trục xuất 3 khách du lịch vì không tự cách ly theo quy định mới của chính phủ. Đây là một trong những biện pháp kiểm soát chặt chẽ mà nước này đang áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 từ bên ngoài.
Châu Phi
Trong tuyên bố đưa ra ngày 18-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tidros Adhanum Gebriusos kêu gọi châu Phi cần sẵn sàng đối mặt với mối đe dọa của dịch Covid-19 và chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất bởi điều kiện sống và dịch vụ y tế của châu lục này không đủ nguồn lực nếu dịch Covid-19 bùng phát. Hiện 21 quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đang ghi nhận sự bùng phát dịch với số ca nhiễm đã vượt quá 18.000, trong đó có hơn 1.000 trường hợp tử vong ở 7 quốc gia.