Sáng 23.9 (giờ địa phương), một phi hành đoàn giám sát trên không tiếp tục phát hiện đàn cá voi mới khoảng 200 con mắc cạn và chết trên một bãi cát ở cảng Macquarie, phía tây đảo Tasmania, Australia.
Trước đó vào hôm 21.9, một đàn cá voi khác gồm 270 con được báo cáo gặp nạn tại 3 địa điểm cách đó khoảng 10 km. Với tổng số 470 con cá voi gặp nạn, đây là vụ mắc cạn lớn nhất được ghi nhận trên toàn cầu và là vụ tồi tệ nhất trong lịch sử Australia.
Các nhân viên của Bộ Công nghiệp, Công viên, Nước và Môi trường (DPIPWE) cùng các tình nguyện viên và ngư dân địa phương đang khẩn trương giải cứu các sinh vật bị mắc cạn. Khoảng 50 con cá voi đã được kéo trở lại đại dương trong chiến dịch cứu hộ bắt đầu từ sáng 22.9. Tuy nhiên, hơn 380 con cá voi được xác nhận đã chết ở phía tây Tasmania.
Các đội cứu hộ đang khẩn trương giải cứu cá voi - Ảnh: Brodie Weeding
Nic Deka, người quản lý khu vực phía tây bắc của Cơ quan Công viên và Động vật hoang dã Tasmania, cho biết lực lượng cứu hộ đang cố gắng để cứu 30 con cá voi còn lại, nhưng trọng tâm hiện đang chuyển sang việc vớt và xử lý những con cá voi đã chết.
“Số lượng cá voi chết sẽ còn tăng lên, đó là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để cứu những con còn sống. Hy vọng chúng có thể cầm cự trong vài ngày”, Nic Deka nói.
Các chuyên gia bảo tồn đã gắn thẻ định vị vào những con cá voi được giải cứu để theo dõi chúng. Cá voi hoa tiêu rất hòa đồng và cần được đưa ra xa khỏi nhóm chính để chúng không quay trở lại với đàn.
Deka cho biết một vài con cá voi sau khi được kéo ra vùng nước sâu đã mắc cạn trở lại trong đêm, đúng như dự đoán của các chuyên gia. Tuy nhiên, phần lớn những con cá voi được cứu vẫn đang ở ngoài đại dương nước sâu. Điều này cho thấy chiến dịch cứu hộ đã phần nào có hiệu quả.
Hiện tượng cá voi mắc cạn xảy ra khá thường xuyên trên đảo Tasmania. Ông Deka cho biết một vụ việc với quy mô tương tự đã xảy ra cách đây khoảng 20 năm. Mặc dù đã có kinh nghiệm nhưng số lượng cá voi quá lớn vẫn gây khó khăn cho nỗ lực giải cứu của nhà chức trách.
Theo Chương trình Bảo tồn biển của DPIPWE, Tasmania là nơi duy nhất của Australia thường xuyên xảy ra các vụ mắc cạn hàng loạt của cá voi và cá heo. Nguyên nhân các con vật bơi lạc vào vùng nước nông thường là do mất phương hướng vì địa hình phức tạp, biển động mạnh hoặc ô nhiễm tiếng ồn.
Long Hải (theo The Guardian)