(HNMO) - Ngày 31-7, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tác động của dịch Covid-19 sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.
Người đứng đầu WHO nêu rõ, mặc dù sự hiểu biết về vi rút SARS-CoV-2 đã có sự tiến bộ, song dân số thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước dịch bệnh này. Nhiều nước từng cho rằng đã qua giai đoạn tồi tệ nhất, hiện chật vật đối phó với đợt bùng phát mới. Một số khu vực ít chịu tác động trong những tuần đầu dịch bệnh bùng phát, hiện ghi nhận số ca nhiễm và tử vong gia tăng. WHO cũng đưa ra cảnh báo, mặc dù các nỗ lực phát triển vắc xin đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng thế giới phải học cách sống chung với Covid-19 và chiến đấu với nó bằng các công cụ mà chúng ta có.
Theo thống kê, tính đến 6h ngày 1-8, trên toàn cầu có tổng cộng 17.731.906 ca mắc Covid-19 và 681.971 ca tử vong.
Châu Âu
Tình hình dịch diễn biến phức tạp đã buộc nhiều nước phải tiếp tục siết chặt các hạn chế. Ngày 31-7, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo hoãn việc nới lỏng phong tỏa vùng England trong ít nhất hai tuần, mà theo kế hoạch ban đầu sẽ diễn ra vào hôm nay (1-8). Ở Pháp, một số thành phố như Orleans, Saint-Malo và Bayonne cũng đã ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng.
Các thành phố Amsterdam và Rotterdam ở Hà Lan cũng yêu cầu người dân từ ngày 5-8 phải đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người. Những người không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt. Trong khi đó, giới chức Đan Mạch khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.
Ở Đức, số ca mắc Covid-19 gia tăng đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai do người đi du lịch trở về từ những nước có tình hình dịch phức tạp như Tây Ban Nha. Trước tình hình này, ngày 31-7, Viện Nghiên cứu Robert Koch (RKI) của Đức đã đưa các vùng Catalonia, Aragon và Navarre ở miền Bắc Tây Ban Nha vào danh sách những nơi có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19. Những người trở về từ những khu vực có nguy cơ cao sẽ phải tiến hành xét nghiệm tại sân bay, hoặc thực hiện cách ly trong 2 tuần nếu không có giấy chứng nhận âm tính với vi rút SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 48 giờ.
Trong khi đó, sau gần 3 tuần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa, ngày 30-7, Iceland đã phải áp đặt lại các biện pháp sau khi số ca mắc Covid-19 tăng. Chính quyền đã giảm số người được phép tụ tập từ 500 xuống còn 100 người, tái áp đặt quy định cách nhau 2m và lần đầu tiên yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, các tiệm làm tóc. Tất cả những người nhập cảnh đều phải xét nghiệm để không phải cách ly, song du khách đến đây trên 10 ngày phải tiến hành xét nghiệm lần 2. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ trưa 31-7 và kéo dài trong ít nhất 2 tuần.
Châu Á
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản có thể phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp nếu tình hình các ca mắc mới Covid-19 tiếp tục tăng. Trong ngày 31-7, thành phố này có 463 ca mới - mức cao nhất kể từ khi bùng dịch, đưa tổng số ca nhiễm tại đây lên hơn 12.000 ca, hơn một nửa trong số đó được ghi nhận trong tháng 7.
Trong khi đó, ngày 31-7, Trung Quốc phát hiện thêm 127 ca mắc Covid-19, trong đó có 123 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 84.292 ca. Ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), số ca mắc Covid-19 tăng cao đã buộc chính quyền phải hoãn cuộc bầu cử hội đồng lập pháp địa phương, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 9.
Cùng ngày tại Hàn Quốc, số ca mắc Covid-19 ở nước này đã quay trở lại ngưỡng trên 30 ca/ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.305 ca. Trong khi đó, Triều Tiên đã dựng thêm nhiều chốt kiểm soát tại các lối vào thủ đô Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 31-7 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 55.078 ca mắc Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tại khu vực Đông Nam Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố gia hạn các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila cho đến giữa tháng 8. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 4.063 ca mắc Covid-19 và 40 ca tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc bệnh trong ngày lên mức cao nhất từ trước tới nay. Tính đến nay, Philippines có tổng cộng 93.354 ca mắc Covid-19, trong đó 2.023 người đã tử vong. Hiện, Philippines là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Tại Indonesia, tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc Covid-19 và số ca tử vong tiếp tục tăng cao. Quốc gia vạn đảo đang đứng đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như số người tử vong do đại dịch.
Châu Mỹ
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, với 4.702.830 ca mắc và 156.704 ca tử vong. Thống đốc bang Wisconsin, ông Tony Evers, đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín nơi công cộng, sau khi nhiều bang khác cũng có quyết định tương tự. Hiện bang Wisconsin chứng kiến số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng, buộc chính quyền bang phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế mới.
Peru mở rộng tình trạng khẩn cấp và các biện pháp xét nghiệm tại chỗ cho đến ngày 31-8 trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 tại nước này vẫn tiếp tục tăng. Bộ trưởng Quốc phòng Peru Walter Martos Ruiz cho rằng, nên tiếp tục gia hạn lệnh giới nghiêm, bởi nếu các hạn chế được dỡ bỏ, các vũ trường, quán bar và trung tâm giải trí hoạt động trở lại sẽ là khiến vi rút SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn. Tính đến nay, Peru đã ghi nhận hơn 407.000 trường hợp mắc Covid-19 và trên 19.000 ca tử vong.