Nhằm không ngừng nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong tỷ trọng ngành nông nghiệp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân, thúc đẩy phát triển chăn nuôi thành hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; từ đó góp phần nâng cao thu nhập của người chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào trong chăn nuôi và chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm chăn nuôi…, ngày 30/01/2018, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 43/KH – UBND về việc “Đột phá thực hiện Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa, giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Một mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng tại xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần
Theo đó, sau hơn một năm triển khai, hiện tổng đàn trâu bò của Hà Giang ước đạt 291.350 con; trong đó có 101 gia trại có qui mô từ 15 – 29 con, 25 gia trại có qui mô từ 30 – 59 con; 5 trang trại có qui mô trên 60 con. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng đàn đại gia súc đạt 6.219 con; tổng đàn trâu, bò xuất bán 19.685 con.
Để thực hiện thành công Đề án, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm chuồng trại kiên cố, mở rộng diện tích trồng cỏ nhằm tạo nguồn thức ăn cho đàn đại gia súc. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chuyên môn của Hà Giang đã đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo cho 7.682 con trâu bò; trong đó thành công 5.377 con (tỷ lệ thành công đạt gần 70%) và đã có 1.891 con bê, nghé được sinh ra.
Ngoài ra, tháng 4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang, phạm vi bảo hộ tại địa bàn 44 xã thuộc 6 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Từ đó, các hoạt động của 19 chợ buôn bán gia súc trên địa bàn tỉnh cũng sôi nổi và nhộn nhịp hơn trước. Riêng đối với huyện Mèo Vạc đã xây dựng HTX chế biến thịt trâu, bò khô gắn với quảng bá thương hiệu của sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Bùi Minh Hiệu, hiện trên địa bàn huyện có 22.000 con trâu, 9.307 con bò và 41 gia trại, trang trại chăn nuôi đại gia súc hàng hóa. Để thực hiện Đề án của tỉnh, UBND huyện Xín Mần đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn như Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y…đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho toàn thể nhân dân trong huyện về mục đích và ý nghĩa của Đề án. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai công tác hỗ trợ lãi suất cho các hộ nghèo vay vốn để mua trâu, bò giống, phát triển trồng cỏ phục vụ chăn nuôi và xây dựng chuồng trại. Trong năm 2019, huyện phấn đấu đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt trên 36,5% giá trị của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đề án “Phát triển nửa triệu con đại gia súc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” vẫn chưa bố trí được nguồn kinh phí để bình tuyển đàn trâu, bò cái giống và hỗ trợ một lần để người dân mua trâu, bò sinh sản. Mặc dù đã có nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi đại gia súc được hình thành nhưng hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân vẫn là chủ yếu. Liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước theo chuỗi giá trị hàng hóa chưa thực sự bền vững.
Đồng chí Trịnh Văn Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết: Để tiếp tục tạo động lực cho ngành chăn nuôi, các huyện, thành phố cần tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng gia trại, trang trại có qui mô từ 20 con trở lên. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn trâu, bò và thành lập các nhóm sở thích về chăn nuôi, giúp đỡ các nhóm liên kết với nhau trong việc buôn bán trâu bò./.