Ảnh minh họa
Đầu phiên sáng nay, lúc 6 giờ 5 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh ngưỡng gần 2.161 USD/ounce, tăng hơn 5 USD/ounce so với cùng thời điểm này phiên sáng qua.
Chốt phiên đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng ở mức 2.160 USD/ounce, hơn 6 USD/ounce so với chốt phiên trước đó.
Thị trường vàng trong nước đứng phiên hôm qua 18/3, giá vàng miếng SJC tiếp tục sụt giảm mạnh so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh, đứng quanh mức 79,4 – 81,4 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC trong khoảng 79,4 – 81,42 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua và giảm mạnh 300.000 đồng/USD chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán thu hẹp từ mức 2,5 triệu đồng xuống còn 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 79,3 – 81,3 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 79,6 – 81,4 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán là 1,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn trong phiên hôm qua tiếp tục giảm mạnh so với phiên trước đó. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 67,88 – 69,08 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm mạnh 330.000 đồng/lượng chiều mua và giảm mạnh 350.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 68,4 67,85 – 69,05 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 250.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 350.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,2 triệu đồng/lượng.
Đêm qua và rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới vẫn tăng, bất chấp báo cáo kinh tế của Trung Quốc công bố khá tích cực trong 2 tháng đầu năm nay.
Cùng với đó, đồng USD tăng khá tốt trong giỏ thanh toán quốc tế.Cụ thể, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,17% lên mức 103.188 điểm vào lúc 6 giờ 2 phút sáng nay (giờ Hà Nội).
Ngày 18/3, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, 2 tháng đầu năm nay, sản lượng công nghiệp - thước đo hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều mức đạt được tháng trước là 4,6%.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 1 của Trung Quốc ở mức 49,2 điểm, cao hơn mức 49 của tháng trước đó và bằng với dự báo. Mặc dù, chỉ số này vẫn ở dưới mức mở rộng là 50 điểm, nhưng đã tăng so với tháng trước, cho thấy sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế Trung Quốc.
Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc tháng 2 tăng 4,2%, cao hơn nhiều mức tăng 3% của tháng trước và 3,2% dự báo trước đó.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tháng 2 và 2 tháng đầu năm của Trung Quốc đều suy giảm so với tháng trước đó. Cụ thể, doanh số bán lẻ tháng 2 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này chỉ tăng 5,5%, thấp hơn mức dự báo là tăng 5,6%, và thấp hơn nhiều mức đạt được của tháng trước là 7,4%. Doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm cũng tăng 5,5%, thấp hơn nhiều mức tăng trước đó là 7,22%.
Một điểm kém tích cực nữa của nền kinh tế Trung Quốc là tỷ lệ thất nghiệp tháng 1 đã tăng từ mức 5,1% tháng trước và dự báo lên mức 5,3%.
Chuyên gia nhận định, mặc dù lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang cho tín hiệu tích cực, nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới lại cho thấy nhu cầu tiêu dùng giảm, thể hiện qua doanh số bán lẻ giảm mạnh. Trong khi đó, tháng 2 là tháng chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đáng lẽ ra nhu cầu chi tiêu tăng cao hơn so với trước đó.
Sự đi ngược quy luật trong nhu cầu chi tiêu của người Trung Quốc, cho thấy người dân nước này vẫn đang thắt chặt hầu bao. Điều này sẽ còn ảnh hưởng đến sản xuất. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn những khó khăn, chưa thực sự phục hồi tích cực ở mọi lĩnh vực ngành nghề.
Chuyên gia cho rằng, chi tiêu tiêu dùng giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng nên giới đầu tư vẫn cho thấy rủi ro chưa suy giảm trong kinh tế Trung Quốc, do đó nhu cầu mua sắm vàng tích trữ và đầu cơ trong rủi ro vẫn tăng.