Ông cho rằng, mặc dù lợi nhuận xây dựng nhà ở xã hội không cao, nhưng là một việc làm hết sức ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Ông cảm ơn những chính sách mà Chính phủ đã ban hành, không những tạo điều kiện cho người dân, mà cũng là cơ hội cho doanh nghiệp được lao động, sản xuất.
Vừa qua, tập đoàn Phú Cường cũng đã xây dựng hơn 1.000 căn nhà xã hội tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và đồng thời cũng đang triển khai hơn 1.000 căn nữa trong dự án tiếp theo. Giai đoạn tới, Phú Cường cũng đang hoàn thiện các thủ tục với Bộ Công an để tiếp tục xây dựng dự án nhà ở xã hội mới.
Về việc ban hành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông cho rằng, doanh nghiệp không nên quá lo lắng, bởi doanh nghiệp đã có phần đất sạch, được hỗ trợ tài chính. Các chính sách được ban hành đều tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp.
Riêng về chính sách tài chính, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói ưu đãi, nhiều gói hỗ trợ lãi suất và đồng thời ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Có điểm đáng mừng là nhiều doanh nghiệp mong muốn đóng góp vào việc xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, Chủ tịch Phú Cường thấy rằng vẫn còn một số khó khăn. Đó là việc thực hiện các thủ tục pháp lý. Thời gian vừa qua, có những dự án mà chúng tôi đã có được hai, ba chục con dấu nhưng không triển khai được.
Chúng tôi thấy Thủ tướng Chính phủ làm việc với cường độ lớn. Sự tâm huyết của Chính phủ, tâm huyết của Trung ương với khát vọng phát triển của doanh nghiệp, đã đưa ra một định hướng rất đúng đắn. Nhưng vấn đề tại sao những khát vọng, mong muốn ấy không gặp nhau như đúng kỳ vọng và tại sao chúng ta không triển khai được như theo kế hoạch.
Nhắc đến tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh", ông Nguyễn Việt Cường bày tỏ băn khoăn về bất cập, vướng mắc thủ tục hành chính hay vấn đề cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm vì lợi ích chung.
Ông lấy ví dụ về trường hợp một doanh nghiệp có năng lực tốt, luôn tuân thủ pháp lý, đã triển khai một dự án được 6 năm, mọi thứ gần như hoàn thiện thì tự nhiên có một công văn gửi đến yêu cầu phải rà soát dự án đó. Vậy là dự án "đóng băng" hơn 3-4 năm nay, không triển khai được, gây thiệt hại 2-3 nghìn tỷ đồng mà doanh nghiệp đã bỏ vào đó để mua đất và xây dựng. Hơn nữa còn thiệt hại là chưa đóng thuế cho nhà nước.
Như vậy, không chỉ thiệt hại cho cả nhà nước mà còn thiệt hại cho cả doanh nghiệp. Trong trường hợp này, nếu phát hiện ra cái sai, thì cơ quan chức năng cũng phải chỉ rõ để doanh nghiệp làm cho đúng.
Cho nên chính sách của Nhà nước luôn luôn đưa ra là ủng hộ doanh nghiệp, để cùng nhau phát triển, chứ không có chính sách nào mà ban hành ra là không đúng, không tốt, nhưng cũng có thể tốt điều này mà chưa tốt điều khác.
Đề xuất một số ý kiến, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, nhiều thủ tục pháp lý mà xây dựng trong 2-3 không hoàn thiện thì nên giao cho một lãnh đạo có đủ chức năng, quyền hạn họp tập trung chỉ 2-3 tiếng đồng hồ là giải quyết các vấn đề. Có tình trạng công văn ở dưới chuyển lên, ở trên chuyển xuống, chỉ nói chung chung, cuối cùng không thực hiện được một dự án nào.
Bên cạnh đó cũng không nên mở cuộc họp riêng cho doanh nghiệp. Khi báo cáo thì tổng hợp nhiều doanh nghiệp, không có sự ưu tiên giữa dự án này, dự án khác.
"Tại cuộc họp này, tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ, cũng như các bộ, ngành Trung ương quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là lắng nghe, giải quyết những mong muốn, nhu cầu, đề xuất của chúng tôi", ông Cường nói.