(HNM) - Thanh tra, kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã, các đoàn thanh tra liên ngành của thành phố Hà Nội đã phát hiện hơn 62.600 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công với tổng diện tích gần 1.900ha. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, thành phố cùng các sở, ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đất đai.
Tồn tại nhiều vi phạm
Tại địa bàn huyện Quốc Oai có 1.668 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây công trình trái phép… tồn tại nhiều năm. Chỉ tính từ tháng 11-2018 đến tháng 12-2019, toàn huyện có 104 trường hợp vi phạm xây công trình trên đất nông nghiệp. Đội trưởng Đội Trật tự xây dựng đô thị huyện Quốc Oai Trần Đức Thắng cho biết: Điển hình là trường hợp gia đình ông Kiều Duy Dân ở thôn Đông Hạ (xã Đông Yên) xây nhà ở và tường bao trên đất nông nghiệp tại khu vực Đồng Tròn với các hạng mục: Nhà 1 và 2 tầng khung bê tông cốt thép; tường bao cao 1,5m, dài 100m; sân, lối đi đổ bê tông kết hợp mái che bằng tôn… trên tổng diện tích 300m2.
Tại địa bàn xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã có 19 trường hợp vi phạm xây dựng lán xưởng trên đất nông nghiệp ở khu đồng Bùi và Bờ Cọc. Các công trình được làm bằng khung kèo sắt, lợp mái và quây xung quanh bằng tôn với diện tích từ hơn 100m2 đến 300m2. Từ tháng 1 đến tháng 5-2019, UBND xã Hữu Bằng, UBND huyện Thạch Thất đã thực hiện các biện pháp: Lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu các hộ tự tháo dỡ vi phạm, ra các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế khắc phục… nhưng vì nhiều lý do, các hộ này vẫn chưa chấp hành.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất Đào Xuân Ban khẳng định, để xảy ra vi phạm này, nguyên nhân do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý và chưa kiên quyết xử lý dứt điểm ngay từ ban đầu, dẫn đến người dân cố tình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình, gây khó khăn cho cấp huyện trong việc xử lý. Hiện, trên địa bàn huyện vẫn còn hơn 1.200 trường hợp vi phạm khác, chủ yếu tồn tại từ năm 2014 trở về trước.
Theo kết quả thanh tra, kiểm tra của các đoàn thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội, mặc dù các địa phương đã hạn chế được vi phạm mới phát sinh, nhưng nhiều quận, huyện vẫn còn từ 900 đến 4.000 trường hợp vi phạm tồn tại từ trước năm 2014 chưa được xử lý, như: Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Phú Xuyên…
Tăng cường các giải pháp
Với phương châm kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát được 1.088 trường hợp vi phạm tồn tại trước năm 2014 và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Còn lại hơn 400 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, huyện yêu cầu các xã phối hợp với đơn vị chức năng rà soát tính pháp lý của hồ sơ, bảo đảm đủ điều kiện để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp vi phạm xảy ra từ tháng 11-2018 đến tháng 12-2019, huyện đã xử lý 89/104 trường hợp và sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm những trường hợp còn lại.
Tương tự, từ năm 2018 đến nay, huyện Hoài Đức đã xử lý 86/95 vi phạm mới phát sinh. Số trường hợp còn lại, huyện chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch cưỡng chế, xử lý; đồng thời thành lập tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cấp xã trong xử lý vi phạm. Hay như huyện Đông Anh, trong năm 2019 đã tập trung xử lý dứt điểm 305 vi phạm tồn đọng và 85/85 vi phạm mới phát sinh trên địa bàn các xã: Vân Hà, Liên Hà, Thụy Lâm…
Ngoài ra, các địa phương cũng đề xuất với thành phố những giải pháp cụ thể nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên. Đơn cử, huyện Thanh Trì có hơn 1.600 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp tồn tại từ trước năm 2014. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì Nguyễn Danh Huy cho biết, đối với hơn 1.000 trường hợp vi phạm trước ngày 1-1-2014, người dân đã ở ổn định, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đối chiếu, xác định với thông tin quy hoạch. Những trường hợp phù hợp quy hoạch đất ở, huyện đề xuất, kiến nghị với thành phố cho các hộ được đăng ký kê khai lần đầu và kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định...
Đối với 19 trường hợp vi phạm tại địa bàn xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất cũng đã báo cáo UBND thành phố và sở, ngành chức năng để thực hiện công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường, mặc dù các địa phương tích cực xử lý vi phạm mới phát sinh, nhưng còn nhiều vụ tồn tại từ trước năm 2014 chưa được xử lý dứt điểm. Sở đang đôn đốc các quận, huyện, thị xã báo cáo tổng hợp kết quả xử lý vi phạm để có căn cứ tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã phân loại và xác định hành vi vi phạm, thời điểm xảy ra và trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để có hình thức xử lý theo quy định. Trong đó, các trường hợp vi phạm từ sau ngày 14-1-2014 đến trước ngày 1-7-2014 phải xem xét, xử lý trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã và cá nhân liên quan theo Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 14-1-2014 của UBND thành phố Hà Nội, trước khi xem xét xử lý cụ thể đối với các công trình vi phạm. Những trường hợp vi phạm sau ngày 1-7-2014, kiên quyết xử lý theo kiến nghị các biện pháp xử lý tại kết luận thanh tra, không hợp thức sai phạm.
Trên cơ sở đó, các địa phương tăng cường tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, nếu để xảy ra vi phạm mới, chủ tịch UBND cấp xã và chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn địa bàn thành phố; cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng để UBND cấp huyện xử lý, khắc phục đối với các trường hợp vi phạm; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ giúp UBND cấp huyện xử lý các công trình xây dựng trái phép, xây dựng kế hoạch xử lý, khắc phục sau thanh tra…