Phát biểu tại mội sự kiện về bất động sản mới đây ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết: Phân khúc kất động sản du lịch giai đoạn 2015-2017 rất phát triển, riêng năm 2018-2019 có sự điều chỉnh mà đặc biệt là trong lĩnh vực condotel.
Đáng lưu ý, ông nhấn mạnh rằng “từ nay trở đi chúng tôi không dùng từ condotel nữa mà gọi là căn hộ du lịch". "Ai hỏi tôi về condotel thì tôi sẽ không trả lời nữa. Chúng tôi đã thống nhất trong các cơ quan nhà nước là không còn từ condotel mà gọi là căn hộ du lịch”.
Trao đổi thêm với Infonet, ông Khởi giải thích vì đó là tên tiếng Anh, "pháp luật Việt Nam không có điều chỉnh đối với tiếng Anh mà mình phải quy về nó là loại gì của Việt Nam. Và pháp luật đã có quy định đó là căn hộ du lịch. Căn hộ du lịch là căn hộ để dùng cho phục vụ khách sạn, du lịch".
Và theo đó, ông Khởi nói đã gọi là "căn hộ du lịch" thì không còn yếu tố "ở" gì trong đó nữa, nếu không đã gọi thẳng là "nhà ở" rồi.
Mà về nguyên tắc thì chưa tìm thấy quy định pháp luật nào cho phép condotel hình thành đơn vị ở. Đó là do các doanh nghiệp tự nói ra chứ chưa có cơ quan nhà nước nào nói ở đây hình thành đơn vị ở cả.
Nhưng nếu khách hàng lỡ mua condotel vì tưởng nhầm có thể hình thành đơn vị ở thì ông Khởi cho biết, đó là "việc của khách hàng với doanh nghiệp", "chứ còn Nhà nước chưa bao giờ nói condotel có thể hình thành đơn vị ở cả". Ông khẳng định "khi nào Nhà nước nói hẳn hay".
Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản, khối lượng giao dịch condotel giảm mỗi năm là từ 5-10%, giá rao bán căn hộ du lịch trung bình năm 2019 giảm 8% so với năm 2018.
Riêng Khánh Hòa, Đà Nẵng là 2 địa phương chiếm nhiều giao dịch về condotel nhất, năm 2018 có khoảng 40.000 giao dịch nhưng qua năm 2019 thì giảm xuống rất nhiều.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản thì sự sụt giảm này cũng là cơ hội để điều chỉnh lại cơ cấu nguồn hàng bất động sản du lịch.
"Chúng tôi tuyên bố hiện nay cơ sở pháp lý của bất động sản du lịch, trong đó có biệt thự du lịch, căn hộ du lịch cơ bản đã được điều chỉnh.
Chỉ còn một vài điểm nhỏ hiện thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng đang nghiên cứu. Đó là quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chúng tôi đã lấy ý kiến của Bộ KH-CN và chắc chắn sẽ ban hành trong thời gian tới.
Còn các quy định về đầu tư xây dựng, đặc biệt có một nội dung rất quan trọng là quy chế quản lý, kinh doanh bất động sản du lịch, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch đã được Bộ VH-TT-DL ban hành tháng 10.2019.
Vì vậy từ nay trở đi không thể nói là thiếu cơ sở pháp lý đối với lĩnh vực bất động sản du lịch, trong đó có căn hộ du lịch. Nhưng khó khăn là do chúng ta tranh luận trong một thời gian dài, dẫn đến có nhiều ảnh hưởng. Đến hôm nay, cơ sở pháp lý đã rõ và hy vọng trong năm 2020, loại hình bất động sản này sẽ có cơ cấu lại...”, Infonet trích lời ông Khởi.
A.T.T