Đó là một trong nhiều kiến nghị từ đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ...
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 là chuyên đề đoàn giám sát thực hiện.
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát trình bày trước Quốc hội sáng 27/5 cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị được ban hành khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, lĩnh vực này còn không ít tồn tại, hạn chế, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Dự án BT, kẽ hở thất thoát ngân sách
Một số hạn chế được đề cập như, đến nay, vẫn còn 5 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam, Bến Tre và Cà Mau) chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).
Hạn chế nữa được đoàn giám sát chỉ ra là việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn chậm và thiếu đồng bộ, thiếu kết nối bên trong và bên ngoài các dự án phát triển nhà ở, dịch vụ, thương mại, không đáp ứng được nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, gây quá tải, ách tắc giao thông, ảnh hưởng tới hoạt động của đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tại Hà Nội và Tp. HCM, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 9% trong khi theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn, tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1% (yêu cầu phải đạt 3-4%).
Báo cáo giám sát cũng cho biết, việc triển khai các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất còn bất cập trong xác định quỹ đất được sử dụng để thanh toán, xác định giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất này còn chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định, dẫn đến chênh lệch giá trị quỹ đất được sử dụng để thanh toán tại thời điểm tạm tính làm cơ sở đấu thầu dự án đầu tư và khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Kết quả giám sát còn cho thấy, việc sử dụng đất quốc phòng còn để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích như tại một số khu đất tại Quận Hải An, Tp. Hải Phòng; tại Tp. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa… Sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và một số địa phương trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng còn nhiều bất cập.
Ngoài ra, việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh còn thiếu chặt chẽ. Các dự án du lịch tâm linh này đều được giao khai thác một quỹ đất lớn, tuy nhiên, khi thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, chưa tách bạch rõ giữa đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với đất thương mại, dịch vụ....
Làm rõ trách nhiệm, báo cáo Quốc hội kỳ họp tới
Phần kết quả giám sát không nêu nhận định cũng như con số liên quan đến việc sử dụng nhà, đất của người nước ngoài, song phần kiến nghị, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Chính phủ cũng được đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 /2020).
Đoàn giám sát còn đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc ban hành nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT), trong đó nghiên cứu phương án thanh toán cho các dự án xây dựng công trình hạ tầng sử dụng nguồn vốn đầu tư công bằng tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất, thay vì sử dụng trực tiếp quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.
Kiến nghị khác với Chính phủ là chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở sản xuất, công nghiệp không cần thiết và gây ô nhiễm môi trường... ra ngoài trung tâm các đô thị; bàn giao quỹ đất sau di dời trụ sở cho địa phương quản lý; ưu tiên sử dụng quỹ đất này để phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong đô thị.
Chính phủ cũng được đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế bất động sản theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê, nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn.
Rà soát khung giá đất để có điều chỉnh phù hợp với giá thị trường, làm cơ sở để các địa phương điều chỉnh bảng giá đất. Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất cụ thể bảo đảm khách quan, minh bạch, sát với giá thị trường, có tính đến giá trị lợi thế vị trí địa lý, các giá trị tăng thêm do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng mang lại.
(Vneconomy)