Đây là thông tin được Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 22.11.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, TP.HCM được giao nắm giữ 209.500ha đất đai của cả nước; trong đó 114.000ha là đất nông nghiệp, 94.600ha là đất phi nông nghiệp. Trong tổng diện tích đất nói trên, 162.300ha đang được sử dụng, 47.300ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng và đất chưa sử dụng chỉ còn 927ha.
Hiện nay, TP.HCM có giá đất cao nhất cả nước. Mỗi mét vuông đất thuộc bất kể loại đất nào trên thị trường cũng có giá từ vài triệu tới khoảng 1 tỉ đồng. Điều này cho thấy mật độ kinh tế của TP.HCM rất cao, một lợi thế và cũng là thách thức về địa kinh tế trong phát triển bền vững.
Công tác quản lý đất đai tại TP.HCM đang đứng trước khá nhiều thách thức như thiếu đồng bộ giữa pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan gây ách tắc cho quá trình quản lý các dự án đầu tư. Ngoài ra, việc thực hiện các công cụ hành chính trong quản lý đất đai chưa dựa trên hệ thống quản lý điện tử; quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với các quy hoạch khác trên địa bàn thành phố; nguồn thu từ đất đai chưa đủ…
Trong khi đó, GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng đã mất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao vì vướng chuyện đất đai. Nguyên nhân là do cán bộ “ôm” quá nhiều quyền lực, từ đó thực thi có sai dẫn đến mất cán bộ không cần thiết. Cạnh đó, việc quản lý đất đai còn làm chưa tốt, gây thất thu lớn. Chẳng hạn như bảng giá đất của Trung ương cũng như các địa phương đưa ra cũng chỉ bằng 30-40% giá thị trường thực tế.
Đồng quan điểm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường) Đào Trung Chính cho rằng, hiện nay công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn ở các địa phương, do có sự xung đột pháp lý giữa các luật, trong đó Luật Đất đai không theo kịp với thực tiễn.
Theo ông Chính, phương pháp định giá đất hiện nay thấp hơn thị trường rất nhiều (chỉ bằng 30-35% giá trị thị trường). Chưa kể, pháp luật về đất đai chưa giải quyết được câu chuyện chia sẻ lợi ích 3 bên gồm nhà nước – doanh nghiệp – người dân có đất bị thu hồi.
Do vậy ông Chính đề xuất cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành theo hướng nghiên cứu mở rộng một số quyền của người sử dụng đất đã được thực hiện phổ biến trên thực tế. Đồng thời, cần phải có một sàn giao dịch bất động sản và hướng tới việc giao dịch mua bán bất động sản không dùng tiền mặt mà qua chuyển khoản. Việc này không chỉ giúp thị trường bất động sản minh bạch, rõ ràng nhằm không tạo ra các cơn sốt đất ảo cũng như chống được nạn đầu cơ, rửa tiền và cả tham nhũng.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) kiến nghị xây dựng 1 Luật Đất đai mới thay thế Luật Đất đai 2013 với yêu cầu đơn giản, dễ thực hiện, dễ hiểu và thống nhất. Ông đề xuất giao cho TP.HCM xây dựng Luật Đất đai mới thay thế Luật Đất đai 2013.
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận, các vấn đề xảy ra vừa qua đã làm cán bộ ngán ngại, mất đi sự sáng tạo, mạnh dạn trong giải quyết về quản lý đất đai. Mặt khác, các cơ quan, sở ngành không đồng nhất về luật cũng làm cho việc quản lý thêm lúng túng. Các vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật khiến việc quản lý đất đai chưa hiệu quả.
Để giải quyết vướng mắc trong việc quản lý đất đai, ông Võ Văn Hoan nói rằng trong tuần tới, UBND TP.HCM sẽ chủ trì cuộc họp với nhiều sở, ngành để tháo gỡ các điểm nghẽn trong quản lý đất đai để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong đó, TP.HCM tháo gỡ về pháp lý, trình tự thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ; đối với những việc vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Trung ương xem xét tháo gỡ.
Phan Diệu