Theo đó, ACV dự kiến tổng mức đầu tư xây mới toàn bộ sân bay này vào khoảng 4.787 tỉ đồng. Trong đó, công trình khu bay dự kiến 1.400 tỉ đồng, các hạng mục thiết yếu công trình khu hàng không dân dụng dự kiến 1.700 tỉ đồng.
Các hạng mục công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến 155 tỉ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Điện Biên nhất trí dự kiến thực hiện 1.532 tỉ đồng.
ACV đã đề xuất 2 phương án đầu tư sân bay quan trọng bậc nhất khu vực miền núi phía Bắc này với các tính toán cụ thể để huy động nguồn vốn.
Ở phương án 1, ACV dùng vốn tự có để đầu tư các công trình khu bay cũng như công trình thiết yếu của khu khu hàng không dân dụng. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) sẽ bỏ tiền đầu tư các công trình đảm bảo điều hành bay. Phần giải phóng mặt bằng, như đã thống nhất từ trước, sẽ do UBND tỉnh Điện Biên thực hiện bằng ngân sách địa phương.
Nếu triển khai theo phương án này sẽ mất 36 tháng xây dựng. Phương án này được cho là có nhiều thuận lợi; không tạo áp lực vào nguồn vốn ngân sách trong điều kiện hạn hẹp, vốn ngân sách cần ưu tiên cho các mục tiêu có tính chất cấp bách hơn.
Ở phương án 2: ACV đề xuất đầu tư các công trình khu bay bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương hoặc địa phương và giao cho ACV khai thác. Các công trình khu hàng không dân dụng sẽ do ACV đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp. VATM vẫn sẽ đầu tư các công trình đảm bảo điều hành bay. UBND tỉnh Điện Biên thực hiện giải phóng mặt bằng ngân sách địa phương.
Dự kiến mất gần 40 tháng để hoàn thành dự án nếu triển khai theo phương án này. Phương án này được cho là đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý, khai thác cũng như không vướng mắc trong xử lý tài sản khu bay hiện hữu, nhưng áp lực với nguồn vốn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương là rất lớn.
ACV cũng cho biết đang lên phương án xây mới đường cất-hạ cánh (CHC) dài 2.400m, hệ thống đường lăn đường lăn nối, đường lăn song song cũng như hệ thống đèn tiếp cận CAT 1…
Khu hàng không dân dụng sẽ xây dựng nhà ga hành khách mới đáp ứng 2 triệu hành khách/năm; xây dựng sân đỗ tàu bay đáp ứng 6 vị trí đỗ máy bay A320/321 và tương đương. Một đài kiểm soát không lưu (TWR) kết hợp trung tâm điều hành chỉ huy bay (ATC) và đài dẫn đường VORDME cũng sẽ được xây mới hoàn toàn.
Cảng Hàng không Điện Biên (Điện Biên Phủ) là cảng nội địa, cấp 3C, gồm một đường băng dài 1.830m được đưa vào sử dụng từ năm 1994. Nhà ga hành khách hiện tại cũng được xây dựng từ năm 2004 với công suất 300.000 khách/năm.
Sân bay Điện Biên nằm trong khu vực lòng chảo, tĩnh không 2 đầu đường CHC hạn chế nên không thể kéo dài đường băng để khai thác các loại tàu bay lớn như A320, A321 và tương đương. Việc lắp đèn đêm và hệ thống dẫn đường hiện đại cho đường cất hạ cánh hiện hữu cũng không được thực hiện do vướng về tĩnh không, do đó cảng này cũng chỉ khai thác được ban ngày.
Do nằm trong khu vực vùng núi cao, điều kiện thời tiết phức tạp, thường xuyên có mây mù, mưa, tầm nhìn hạn chế nên tỷ lệ hủy chuyến tại Điện Biên khá cao so với các sân bay khác.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện sân bay Điện Biên chỉ có thể tiếp nhận tàu bay ATR72 và tương đương nên chỉ khai thác được các chặng bay ngắn như Hà Nội/Hải Phòng - Điện Biên, không thể mở các đường bay tầm trung trở lên như Đà Nẵng - Điện Biên, TP.HCM - Điện Biên.
Ðiện Biên là tỉnh phên giậu phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài 455km, tiếp giáp 2 nước Lào và Trung Quốc, có vị trí vô cùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Theo Dân Trí