Sáng nay (31/5), Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội. Đại biểu quốc hội liên tục bấm nút xin tranh luận về việc hàng trăm dự án phải dừng lại vì vướng Luật Quy hoạch.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng nhận định của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về những hạn chế, yếu kém của Luật Quy hoạch, có nguy cơ làm đình trệ tất cả các dự án và đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước là “sự phóng đại quá mức”.
Ông Hùng phân tích, việc sử dụng đất đai tại đô thị đã gây nên tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng, gây bức trong dư luận xã hội. 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến sử dụng đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là do sự điều chỉnh quy hoạch của các dự án. Tất cả những dự án gây bức xúc là những dự án lớn, được điều chỉnh thường xuyên.
Trước khi có Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch của Việt Nam còn "tư duy nhiệm kỳ", tạo ra nhiều xung đột liên quan tới đất đai. "Luật Quy hoạch ra đời là giúp hình thành hệ thống quy hoạch quy củ, có tầng lớp và đề cao tính tuân thủ, để ngăn chặn những hạn chế vừa qua".
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 30/5, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, Quốc hội cần khắc phục vấn đề nóng liên quan đến Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019, nhưng đã làm tất cả các dự án đều tạm dừng vì sự bất cập của luật. Ông cho rằng Luật Quy hoạch có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước làm cho nhiều dự án đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động.
Ông dẫn số liệu hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh, 25 quy hoạch ngành, 368 dự án đầu tư sản xuất công thương không triển khai được vì vướng quy hoạch. “Nếu không sớm xử lý thì tất cả đều trì trệ không tháo gỡ được khó khăn”, ông Phương nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi những bất cập của Luật Quy hoạch, ban hành nghị quyết riêng về việc chuyển tiếp trước khi các dự án quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh của nhiệm kỳ 2021-2030 được phê duyệt.
Theo ông Phương, Luật Quy hoạch là công cụ quan trọng giúp nhà nước quy hoạch hiến định động lực không gian để phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, để luật có hiệu lực, cần loại trừ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển, cần có thông tư, nghị định hướng dẫn các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển.
Không đồng tình với ý kiến của đại biểu Phương, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho biết, Chính phủ mới ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều để thi hành Luật; chưa triển khai trong thực tiễn, chưa được đánh giá tác động, vì thế chưa có cơ sở để đánh giá vướng mắc.
Dự thảo nghị định kèm theo đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, luật được Quốc hội thông qua tại ngày 24/11/2017, luật có hiệu lực thi hành từ 01/1/2019. Riêng các hoạt động lập, thẩm định quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được triển khai trước từ ngày 01/3/2018, tức là các nội dung quan trọng, cốt lõi của luật được làm trước một bước, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch chuyên ngành đi sau.
Đến ngày 5/2/2018 Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 11 giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện triển khai các nhiệm vụ cụ thể để triển khai quyết liệt Luật Quy hoạch theo quy định của luật, rất tiếc đến tận ngày 5/7/2019 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37 quy định chi tiết một số điều để thi hành luật.
“Vì chưa có nghị định trên nên các quy hoạch không thể triển khai được, đây là nguyên nhân chính và là nguyên nhân duy nhất luật không triển khai được. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng luật có vướng mắc không triển khai được. Tôi đề nghị Chính phủ báo cáo rõ những vướng mắc ở nội dung nào, điều luật nào. Nghị định mới ban hành chưa triển khai trong thực tiễn, chưa được đánh giá tác động, chưa có cơ sở để đánh giá vướng mắc”, ông Sinh nhấn mạnh.
(CafeLand)