Tỷ suất lợi nhuận không cao, thủ tục khó khăn làm doanh nghiệp quay lưng với việc xây dựng nhà giá thấp, khiến nguồn cung sản phẩm này ngày càng khan hiếm.
Biến mất theo gói 30.000 tỉ đồng
Khoảng bốn năm trước, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng đã giúp hàng ngàn người thu nhập thấp có được nơi an cư ở các thành phố lớn. Thế nhưng, kể từ khi gói tín dụng này dừng giải ngân vào ngày 1-6-2016, nhiều người đã nghĩ tới việc từ bỏ giấc mơ mua nhà vì không đủ khả năng trả nợ theo lãi suất thương mại. Trong khi đó, thị trường bất động sản các năm qua liên tục trải qua ba lần nóng sốt, đẩy mặt bằng giá đất lên một mức mới, khiến giấc mơ sở hữu nhà của người có thu nhập trung bình ngày càng xa vời.
Chị Đặng Lê Quỳnh (Thủ Đức), người đã mua được nhà giá thấp nhờ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng bốn năm trước, thừa nhận rằng mình may mắn hơn rất nhiều người. Hiện chị muốn chuyển về gần trung tâm hơn, nhưng giá nhà tại khu vực trung tâm đã bị đẩy lên quá cao, ngoài khả năng của chị.
“Tôi đành chấp nhận đi làm xa và trả nốt khoản vay mua nhà 200 triệu đồng. Thế là rất may mắn so với đồng nghiệp của tôi khi họ không thể tiếp cận vốn vay vài năm trước rồi. Đến nay họ vẫn chưa thể có nhà, dù tiết kiệm thế nào thì giá nhà cũng không còn trong tầm với nữa”, chị Quỳnh nói.
Theo đơn vị nghiên cứu DKRA Việt Nam, từ giữa năm 2017 đến nay, phân khúc căn hộ hạng C (bình dân - giá bán dưới 1.000 đô la Mỹ/mét vuông) có sự sụt giảm mạnh về nguồn cung và luôn bị áp đảo bởi căn hộ hạng A (cao cấp, giá bán từ 1.800-3.000 đô la Mỹ/mét vuông) và hạng B (trung cấp, giá từ 1.100-1.800 đô la Mỹ/mét vuông). Thậm chí, có những thời điểm phân khúc này hoàn toàn không có nguồn cung mới.
Thực tế, nếu lấy tiêu chuẩn của gói 30.000 tỉ đồng đối với nhà thương mại giá thấp - căn hộ có diện tích từ 70 mét vuông trở xuống, giá bán 15 triệu đồng/mét vuông - thì hiện tại, loại nhà này gần như bị biến mất trên thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nhận định đây là biểu hiện lệch pha cung - cầu và là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Lẽ ra, phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền phải chiếm tỷ lệ lớn nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất. “Với thực trạng này, nếu không linh hoạt thay đổi cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, không loại trừ trường hợp nhà giá rẻ có thể biến mất”, ông Châu nói.
Chính quyền và doanh nghiệp lãng quên?
Trong buổi tiếp xúc giữa doanh nghiệp bất động sản và chính quyền TPHCM mới đây, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đã nhận định nhà giá rẻ đang dần “tuyệt chủng” tại TPHCM vì nguồn cung gần như đứng im trong vài năm qua. Ông Đực kể rằng từ 10 năm trước, một số doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM như Khang Gia, Nam Long, Đất Lành, Lê Thành... đã tham gia đầu tư vào nhà giá thấp. “Tuy nhiên, hiện không còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục thực hiện sứ mệnh “giải cứu người nghèo” này”, ông Đực nói.
Ông Đực cho biết vấn đề của Đất Lành hiện tại là hết vốn, việc thu xếp vốn triển khai dự án mới rất khó khăn. Lý do là nhà giá thấp đem lại mức lời rất thấp, chỉ cần một vài biến động như giá vật liệu, lãi suất ngân hàng tăng thì coi như bị âm vốn ngay tức khắc. Thời gian quay vòng vốn chậm cộng với việc doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các thủ tục rườm rà từ A-Z giống các dự án nhà ở cao cấp, nên doanh nghiệp không mấy mặn mà.
“Làm nhà giá thấp lãi rất ít, chỉ 1-2 triệu đồng/mét vuông. Trong khi đó, thủ tục pháp lý rất khó khăn, đặc biệt là trong xin giấy phép xây dựng. Hơn hết, là chính quyền đang lãng quên nhà giá thấp”, ông Đực nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành, cho rằng thị trường bùng nổ nhà cao cấp vì đầu tư một đồng lời một đồng; còn với nhà giá thấp, Nhà ở xã hội, bỏ 10 đồng mới lời được 1 đồng.
Về thủ tục làm Nhà ở xã hội, ông Nghĩa cho biết ưu đãi trên lý thuyết thì có nhưng thực tế không thực hiện được. “Trên lý thuyết là doanh nghiệp được hưởng lãi suất ưu đãi 5%, nhưng tới giờ này không vay được. Khi đi vay thương mại thì ngân hàng không chịu, lý giải rằng xây nhà ở thương mại nếu không trả được nợ thì siết nhà bán thu hồi; nhưng Nhà ở xã hội quy định năm năm mới được bán, nên có siết thì cũng không thể bán, làm sao thu hồi được nợ?”, ông Nghĩa bức xúc.
Từ những khó khăn của doanh nghiệp, ông Châu, cho rằng chính quyền thành phố cần quan tâm, có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người có thu nhập thấp, giải quyết vấn đề nhà ở.
“TPHCM là một đô thị đặc biệt, nhu cầu nhà giá thấp rất lớn, thành phố nên ban hành hẳn một quy định về Nhà ở xã hội, để căn cứ vào đó mà doanh nghiệp, các cơ quan công quyền triển khai. Còn nếu cứ kéo dài như hiện nay, doanh nghiệp không dám đầu tư, nguồn cung sẽ càng ngày càng khan hiếm, dẫn đến sự đóng góp vào an sinh xã hội chưa cao”, ông Châu nói.
(Saigontimes)