(HNM) - Nhằm xử lý triệt để tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư chậm hoàn thành các thủ tục…, một số tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng không sử dụng đúng mục đích, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm sử dụng đất hiệu quả. Theo đó, thành phố kiên quyết thu hồi đất đối với những dự án chủ đầu tư chây ỳ không thực hiện hoặc vi phạm Luật Đất đai...
Dự án chậm triển khai gây lãng phí
Dự án khu đô thị sinh thái và trung tâm thương mại Quốc Oai với quy mô 32,24ha (trên địa bàn thị trấn Quốc Oai), được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) ra quyết định giao chủ đầu tư từ tháng 2-2008. Thế nhưng, đến tháng 5-2019, chủ đầu tư mới tổ chức hội nghị xin ý kiến khu dân cư về việc triển khai. Ông Nguyễn Phạm Độ, thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai nói: “Dự án chậm triển khai tới hơn 11 năm, trong khi ngay cạnh khu đất này, đầu năm 2019, huyện Quốc Oai tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở với diện tích chỉ khoảng 5.000m2 đã thu về ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Rõ ràng, đây là một sự lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên…”.
Cũng tại huyện Quốc Oai, 2 dự án nhà vườn sinh thái và nhà nghỉ cuối tuần nằm trên địa bàn các xã Yên Sơn và Phượng Cách với tổng diện tích hơn 14,66ha, chủ đầu tư nhận bàn giao mặt bằng, thi công san nền từ năm 2008. Thế nhưng đến nay, 2 dự án này mới chỉ có tường bao, phòng bảo vệ, một số công trình phụ trợ cùng... quán bia hơi, gara ô tô.
Còn tại huyện Mê Linh, có tới 60 dự án được thực hiện từ năm 2003 đến 2011, nhưng hiện vẫn trong tình trạng chậm triển khai, trong đó 36 dự án đã giải phóng mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang, 17 dự án chưa giải phóng mặt bằng... Tương tự, huyện Thường Tín có 3 dự án chậm triển khai. Trong đó, dự án Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bách khoa tại xã Văn Bình (diện tích 22.007m2), chủ đầu tư đã nhận mặt bằng, nhưng không triển khai đúng tiến độ, thậm chí còn tự ý cho đơn vị khác thuê đất từ 10 đến 20 năm để làm văn phòng, bãi đỗ xe...
Theo Báo cáo số 200/BC-UBND ngày 27-6-2019 của UBND thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 465 dự án phải rà soát do có vi phạm Luật Đất đai hoặc chậm triển khai... Chia sẻ về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết: Huyện đã nhiều lần gửi thông báo, liên hệ mời các chủ đầu tư đến trụ sở để làm việc, do không thực hiện các bước theo quy định. Tuy nhiên, họ không đến, hoặc đã chuyển địa chỉ văn phòng đi nơi khác, thay đổi nhân sự… gây khó khăn trong việc đôn đốc tiến độ dự án. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số địa phương như: Quốc Oai, Thạch Thất, Hoàng Mai, Đống Đa…
Quyết tâm tạo chuyển động tích cực
Để xử lý dứt điểm thực trạng trên, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm mới. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng: “Hà Nội sẽ cương quyết thu hồi những dự án mà doanh nghiệp chây ỳ, không thực hiện, vi phạm Luật Đất đai, nhưng không khắc phục”.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ trì triển khai 21 đoàn liên ngành để thanh tra, kiểm tra 379 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Sở đã đề xuất với thành phố một số biện pháp xử lý cụ thể, trong đó có việc thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất với 24 dự án, tổng diện tích 1.552,2ha…
Với những dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao kiểm tra, rà soát, ngoài 3 dự án thành phố đã chấm dứt hoạt động, Sở này kiến nghị UBND thành phố chấm dứt hoạt động đối với 23 dự án, tạm dừng điều chỉnh quy hoạch 24 dự án…
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn nhận định: “Nếu các dự án chậm triển khai nhiều năm, sử dụng đất sai mục đích được thu hồi, địa phương sẽ có quỹ đất để quy hoạch xây dựng các công trình công cộng, khu đấu giá quyền sử dụng đất ở, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn…”.
Nhằm xử lý tình trạng dự án chậm triển khai trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết: Hiện khu quy hoạch các dự án xây dựng đô thị “án binh bất động” từ năm 2008 đến nay, nhưng huyện không liên lạc được với 8 chủ đầu tư. Huyện đề nghị thành phố xem xét, thu hồi dự án theo quy định. Tương tự tại Thường Tín, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tập khẳng định: Huyện đã đề nghị UBND thành phố xem xét, thu hồi đất dự án Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bách khoa.
Trên cơ sở việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, đôn đốc tiến độ của các sở, ngành, nhiều chủ đầu tư đã nỗ lực triển khai những dự án đang dang dở. Do đó, UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố đưa ra khỏi danh mục các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai đối với 81 dự án, tổng diện tích 225,6ha. Tuy nhiên, để hạn chế, tiến tới xử lý triệt để tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phối hợp với UBND các quận, huyện đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Đất đai đối với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...
Với quyết tâm mới và những biện pháp quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm tình trạng dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai của UBND thành phố Hà Nội, chắc chắn trong thời gian tới, nguồn tài nguyên đất sẽ được quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.